Venezuela chìm trong khủng hoảng kinh tế, chính trị
Tình hình Venezuela đang rất phức tạp khi Quốc hội bác bỏ sắc lệnh của Tổng thống, còn kinh tế thì hỗn loạn do lạm phát tăng, giá dầu giảm.
Hôm 17/5, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bác bỏ Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế do Tổng thống Nicolas Maduro vừa ban bố.
Động thái này của phe đối lập càng làm trầm trọng thêm tình hình của Venezuela vốn bất ổn và đang đứng trước nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội, ông Henry Ramos nói rằng, sắc lệnh của Tổng thống Maduro "phá vỡ trật tự hiến pháp".
“Tình hình hiện nay tại Venezuela có thể được giải quyết thông qua các biện pháp thông thường mà các nhà điều hành có thể xử lý theo Hiến pháp. Tuy nhiên, chính phủ đã ban hành tình trạng khấp cấp kinh tế. Sau nhiều tháng thực thi, họ vẫn chưa công bố kết quả của việc thực hiện những biện pháp. Điều này đã phá vỡ trật tự hiến pháp”.
Về phần mình Tổng thống Maduro cho rằng, quyết định của các nghị sỹ đã trì hoãn giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế: "Các nghị sỹ đã đánh mất chức năng của mình. Họ đã xa rời lợi ích quốc gia khi phủ quyết tình trạng kinh tế khẩn cấp của đất nước.”
Đây không phải là mâu thuẫn mới giữa chính phủ và Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Trước đó cùng ngày, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles ngang nhiên tuyên bố, quân đội Venezuela phải lựa chọn giữa việc ủng hộ hiến pháp hay ủng hộ Tổng thống Maduro. Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi ông Maduro ban hành một lệnh tình trạng khẩn cấp mở rộng quyền lực của binh sĩ và cảnh sát và chỉ một ngày trước khi diễn ra các cuộc tuần hành do phe đối lập tổ chức đòi trưng cầu ý dân về việc phế truất ông Maduro.
Hồi tháng 1, Venezuela đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế kéo dài 60 ngày, trong bối cảnh giá dầu lao dốc, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hoá nghiêm trọng. Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ Venezuela quyết định gia hạn Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế, trong đó bổ sung thêm một số quyền hạn mới nhằm đối phó với âm mưu của các lực lượng trong và ngoài nước hòng lật đổ chính phủ. Các quyền hạn mới cho phép quân đội, cảnh sát và các ủy ban địa phương cung ứng và sản xuất hỗ trợ hoạt động phân phối hàng hóa, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Những biện pháp trên của chính phủ Maduro diễn ra trong bối cảnh Venezuela đang đối mặt với nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện, giới chức Venezuela loay hoay tháo ngòi “quả bom” khủng hoảng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được biện pháp nào hữu hiệu. Giá dầu giảm sâu, siêu lạm phát, đồng tiền mất giá “không phanh” đã đẩy Venezuela, một quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa ở Nam Mỹ, tới tình cảnh không còn nhiều lựa chọn để ngăn chặn sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Những bất ổn tại Venezuela cũng đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong năm nay.
Theo nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình tại Venezuela sẽ có nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới khi phe đối lập đang nỗ lực xúc tiến việc bãi nhiệm ông Maduro. Hiện phe đối lập chỉ còn thiếu 200.000 chữ ký theo quy định để có thể bãi nhiệm tổng thống Maduro./.
VOV.VN
Ý kiến bạn đọc