Thảm kịch rơi máy bay Ai Cập: nguyên nhân vẫn là ẩn số
Gần 1 tuần sau vụ máy bay mang số hiệu MS084 của Ai Cập rơi trên Địa Trung Hải, nguyên nhân của thảm kịch này đến nay vẫn là một bí ẩn.
Những thông tin về kết quả điều ra ban đầu cho thấy khả năng xảy ra một vụ nổ trên máy bay đã bị giới chức Ai Cập bác bỏ. Các nhà điều tra Ai Cập khẳng định hiện còn quá sớm để kết luận chiếc máy bay gặp nạn sau một vụ nổ lớn trên khoang.
Bộ Tư pháp Ai Cập đã bác bỏ những thông tin nói rằng điều tra ban đầu vụ rơi máy bay của Hãng Hàng không Ai Cập tuần trước cho thấy đã có một vụ nổ trên máy bay.
Hãng Thông tấn MENA của Ai Cập dẫn lời nhà chức trách nước này cho biết giả thiết xảy ra một vụ nổ trên máy bay dựa trên những phần thi thể của các nạn nhân được tìm thấy là “hoàn toàn sai lầm và chỉ là giả định”. Giới chức Ai Cập cũng cho biết các nhà điều tra không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của chất nổ cho thấy có bom trên máy bay.
Nhà chức trách Ai Cập cũng bác bỏ tuyên bố trước đó của Bộ quốc phòng Hy Lạp cho biết máy bay đã đột ngột chuyển hướng và quay đầu ngay trước khi gặp nạn.
Hiện các chuyên gia và lực lượng của Pháp, Hy Lạp, Mỹ, Anh và Síp đang tham gia điều tra và hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay xấu số. Các nhà điều tra không loại trừ bất cứ kịch bản nào dẫn đến thảm kịch hàng không mới nhất này.
Chiếc Airbus A320 mang số hiệu MS804 gặp nạn trên Địa Trung Hải hôm 19/5, làm toàn bộ 66 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Máy bay này cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle tại Paris (Pháp) với hành trình về Cairo (Ai Cập).
Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy lỗ hổng an ninh tại sân bay Charles de Gaulle, song nhà chức trách Pháp vẫn tiến hành điều tra và thắt chặt kiểm soát tại sân bay đông đúc thứ 2 châu Âu này. Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris tháng 11/2015, Pháp đã áp đặt các biện pháp an ninh chặt chẽ nhất trên thế giới tại Charles de Gaulle, với lực lượng cảnh sát và quân đội được trang bị vũ trang tăng cường tuần tra, các video giam sát quanh sân bay được theo dõi sát xao.
Sau vụ rơi máy bay của Hãng Hàng không Ai Cập, mọi nhân viên sân bay, nhân viên Hãng hàng không này, những người từng tiếp cận chiếc máy bay và hành lý của hành khách trên chuyến bay gặp nạn đều đã bị thẩm vấn.
Tuy nhiên, máy bay này đã lưu lại hơn 24 giờ đồng hồ tại các sân bay ở Cairo và Tunisia trước khi hạ cánh xuống Paris. Trước các nguồn thông tin nhiễu loạn về vụ tại nạn, các nhà điều khẳng định còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.
Cho dù đó là nguyên nhân gì do lỗi kỹ thuật hay do khủng bố thì thảm họa hàng không mới này chắc chắn sẽ để lại những áp lực nặng nề với Ai Cập, không chỉ là tác động tới nền kinh tế mà còn cả sức ép lên chính quyền trong vấn đề an ninh.
Nhà phân tích Ai Cập Mesbah Kotb cho rằng: “Vụ tai nạn máy bay sẽ gây tổn thất lớn với Ai Cập, nhất là ngành du lịch và kinh tế. Pháp cũng chịu ít nhiều những ảnh hưởng này. Hiện cơ quan an ninh Ai Cập được đặt trong tình trạng báo động cao. Thảm kịch hàng không này cho thấy Ai Cập đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công”.
Không chỉ với Ai Cập, các nước cũng đang phải rà soát lại hệ thống nhân viên tại các sân bay nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm khủng bố. Năm ngoái, hàng loạt nhân viên bốc dỡ hành lý và nhân viên sân bay đã bị đình chỉ hoặc đuổi việc vì bị nghi ngờ có liên quan tới Hồi giáo cực đoan.
Cơ quan tình báo nội vụ Pháp tuần trước cũng cảnh báo nhóm phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đẩy mạnh chiến dịch đánh bom khủng bố trong những tháng tới khi Giải Vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016) diễn ra tại Pháp./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc