Mỹ và các cường quốc vũ trang cho Libya: Quyết định mạo hiểm?
Nhiều chuyên gia cảnh báo những nguy cơ mà Libya cũng như quốc tế phải đối mặt, khi lượng vũ khí này “rơi vào tay những nhóm cực đoan”.
Mỹ và các cường quốc hôm qua tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya để đối phó với IS và các nhóm khủng bố khác, xem xét miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí cho quốc gia Bắc Phi này. Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị quốc tế bàn về Libya, dưới sự chủ trì của Mỹ và Italy diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 16/5.
Hội nghị quốc tế lần này có sự tham gia của đại diện các nước Ủy Vienna thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một số nước châu Âu, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, Mỹ và các cường quốc thế giới cam kết sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya để đối phó với IS và các nhóm khủng bố khác, đồng thời sẽ thúc đẩy việc miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia Bắc Phi này.
Hiện Liên Hợp Quốc đang áp đặt một lệnh cấm vận đối với Libya, nhằm ngăn chặn các loại vũ khí gây sát thương có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và các nhóm phiến quân đang tranh giành quyền lực tại nước này. Tại hội nghị, nhiều nước cũng đưa ra những cam kết hỗ trợ Chính phủ mới tại Libya.
Ngoại trưởng Anh Phillip Hamond cho biết: “Chính phủ Anh sẵn sàng xem xét sự hỗ trợ kỹ thuật đối với chính phủ mới tại Libya. Thủ tướng Libya đã lên tiếng yêu cầu hỗ trợ cho quốc gia này xây dựng một lực lượng bảo vệ bờ biển giúp giải quyết mối lo ngại của Libya về vấn đề buôn lậu và bất ổn an ninh biên giới. Điều này cũng sẽ giúp giải quyết mối lo ngại của châu Âu về các hoạt động di cư bất hợp pháp”.
Việc miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya cần được Ủy ban trừng phạt Liên Hợp Quốc thông qua trước khi có hiệu lực. Tuy nhiên việc Chính phủ Libya đưa yêu cầu chính thức lên Liên Hợp Quốc, là một dấu hiệu cho thấy nước này đã nhận được đảm bảo rằng yêu cầu này sẽ sớm được thông qua.
Không chỉ tích cực ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Libya, các cường quốc cũng chuẩn bị hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho quốc gia Bắc Phi này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cũng cảnh báo, vũ trang cho Chính phủ của Thủ tướng al-Sarraj cũng như miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí là một quyết định nguy hiểm trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang đối mặt với chia rẽ và xung đột.
Mặc dù Libya đã thành lập Chính phủ đoàn kết quốc gia với sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc và phương Tây, nhưng Quốc hội tại Tobruk do ông Aguila Saleh lãnh đạo tới nay vẫn từ chối tiến hành cuộc bỏ phiếu để ủng hộ tiến trình này.
Quyết định của phương Tây ủng hộ một bên trong cuộc xung đột có thể khiến bất đồng gia tăng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó cũng có nhiều khả năng các tàu chở vũ khí tới Libya sẽ rơi vào tay các nhóm cực đoan.
Chính vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mặc dù lên tiếng ủng hộ vũ trang cho Libya và kêu gọi các nước xem xét miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí, nhưng ông cũng khẳng định Chính phủ Libya cần phải kiểm soát các loại vũ khí này một cách hiệu quả.
“Lệnh cấm vận vũ khí không cho phép chính phủ mới của Libya có thể nhận được những loại vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước và đối phó với IS. Vì vậy chúng ta cần xem xét và đưa ra hỗ trợ đối với những yêu cầu vũ khí hợp pháp của Libya. Tuy nhiên cũng cần phải có các biện pháp để tránh những loại vũ khí này rơi vào tay những nhóm cực đoan”, ông Kerry nói.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cũng xác nhận, quân đội Mỹ vẫn duy trì lực lượng nhỏ tại Libya để thu thập các thông tin tình báo cũng như xác định các cá nhân hay phe nhóm có khả năng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, quan chức Lầu Năm Góc khẳng định sự hiện diện của lính Mỹ tại Libya "sẽ không kéo dài”./.
VOV.VN
Ý kiến bạn đọc