Khủng bố đẫm máu ở Brussels sẽ buộc châu Âu phải thay đổi
Sau vụ khủng bố tại Brussels, châu Âu có thể sẽ phải thay đổi phương pháp tiếp cận với các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Trung Đông.
Sáng 22/3 vừa qua, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung lại rúng động với hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển sân bay Zaventem, ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels, Bỉ, khiến hơn 30 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.
Loạt tấn công khủng bố này đã gây sốc trong bối cảnh châu Âu đang được đặt trong tình trạng cảnh báo khủng bố cao. Sau các cuộc tấn công tại Paris ngày 13/11/2015, các biện pháp an ninh và chống khủng bố đã được tăng cường khắp châu Âu. Tuy nhiên ít người ngờ rằng, những kẻ khủng bố lại có thể liều lĩnh tiến hành vụ khủng bố nữa vào thủ đô một nước được mệnh danh là Trái tim châu Âu chỉ chưa đầy 5 tháng sau vụ khủng bố Paris.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vụ khủng bố ngay tại “trái tim châu Âu” sẽ để lại hậu quả nặng nề cho châu lục này, đồng thời nó cũng khiến châu Âu phải thay đổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề khủng bố cũng như các vấn đề liên quan khác như khủng hoảng tị nạn, an ninh biên giới EU, cuộc khủng hoảng tại Syria cũng như những bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi…
Người dân đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong loạt đánh bom khủng bố đẫm máu tai Brussels. Ảnh: AP |
Tâm lý bài tị nạn gia tăng ở châu Âu
Các vụ khủng bố ở Brussels, Bỉ đã đánh thẳng vào nỗi sợ hãi của những người vẫn nghi ngại người tị nạn từ Trung Đông tràn vào châu Âu. Cuộc khủng hoảng người tị nạn - vốn trở thành vấn đề trọng tâm đối với các quốc gia châu Âu và gây ra những tranh cãi gay gắt về biên giới và quyền tự do đi lại trong Eurozone - sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Theo các chuyên gia, cùng với an ninh được siết chặt, nhiều khả năng tâm lý chống tị nạn sẽ tăng lên.
Trong thời gian qua đã có những cảnh báo rằng “dòng thác” người tị nạn không thể kiểm soát từ Trung Đông đổ vào châu Âu là mối đe dọa với an ninh của châu lục này. Các chiến binh thánh chiến có thể dễ dàng xâm nhập vào châu Âu dưới vỏ bọc của người tị nạn và sống giữa những người châu Âu để chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố.
Theo một báo cáo của Soufan Group - một công ty tư vấn chiến lược quốc tế, hiện có khoảng 470 tay súng mang quốc tịch Bỉ đã gia nhập hàng ngũ của các nhóm thánh chiến ở Syria và Iraq. Tính toàn châu Âu hiện có 5.000 tay súng đã tham gia vào các nhóm thánh chiến cực đoan tại Syria và Iraq.
Chính vì thế, có thể cho rằng, tâm lý chống lại người tị nạn ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng lên và EU sẽ phải nỗ lực để thực thi những chính sách cẩn trọng hơn đối với người tị nạn Trung Đông.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, khi hiểu rõ việc bài ngoại ấy có thể dẫn đến điều gì, những kẻ khủng bố có thể lợi dụng nó để kích động làm gia tăng tâm lý chống người tị nạn và người Hồi giáo ở châu Âu nhằm khuấy động thêm sự hỗn loạn và bất ổn trong lòng EU.
Châu Âu sẽ phải xem xét lại chiến lược chống khủng bố
Cuộc tấn công đẫm máu tại Brussels vừa qua sẽ có tác động mạnh buộc các quốc gia châu Âu phải suy nghĩ và định hình lại công tác đảm bảo an ninh của họ. Bên cạnh đó, loạt vụ tấn công khủng bố lớn thứ hai trong vòng chưa đầy 5 tháng qua nhằm vào các địa điểm nhạy cảm là sân bay và ga tàu điện ngầm tại “thủ đô châu Âu” sẽ khiến các thành viên EU phải xem xét lại chiến lược của mình trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Vụ tấn công khủng bố tại Brussels có thể được coi như một cuộc tấn công chống lại toàn bộ châu Âu. Giờ đây không một quốc gia châu Âu nào còn cảm thấy an toàn kể cả khi các biện pháp an ninh được đặt ở mức cảnh báo cao nhất cũng khó có thể ngăn chặn các vụ khủng bố xảy ra.
Sau loạt tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris ngày 13/11/2015, Pháp đã tăng cường sự can dự của mình vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iraq. Nước này đã triển khai tàu sân bay tới Trung Đông và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố IS.
Không ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên công khai bày tỏ tình đoàn kết với Bỉ. Ông Hollande tuyên bố “Cả châu Âu đang là đích ngắm” của khủng bố, đồng thời thúc giục toàn bộ châu lục này tiến hành các bước đi cần thiết nhằm chống lại các mối đe dọa trong tương lai. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng "Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh".
Cũng giống như vụ tấn công ở Paris, loạt đánh bom khủng bố tại Brussels vừa qua sẽ tiếp thêm “sức mạnh” để các thành viên EU có thể gắn kết và thống nhất về chính sách đối với tình hình hiện nay tại Syria và Iraq nhằm cố gắng ngăn chặn dòng chảy của bạo lực trên đất châu Âu.
Điều đáng chú ý phản ứng của Moscow sau vụ khủng bố tại Brussels: Sau khi lên án vụ các vụ tấn công khủng bố và gửi lời chia buồn tới Bỉ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, kiểu áp đặt tiêu chuẩn kép mà một số nước đang thực hiện trong cuộc chiến chống khủng bố đã gây ra hệ lụy đáng tiếc.
"Người ta không thể phân chia những kẻ khủng bố thành tốt hay xấu, không thể hỗ trợ khủng bố ở một nơi (như ở Bắc Kavkaz và Trung Đông) trong khi lại hy vọng chúng không lan đến các nơi khác trên thế giới", bà Maria Zakharova nói.
Theo các nhà quan sát, Nga có thể sẽ sử dụng thời điểm hiện nay để tăng cường các nỗ lực nhằm tạo ra một liên minh chống khủng bố quy mô lớn với các quốc gia châu Âu, đồng thời thu hẹp sự khác biệt trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến ở Syria.
Vào thời điểm hiện nay châu Âu nhiều khả năng sẽ xem xét việc hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Việc EU vừa trải qua vụ tấn công khủng bố thứ hai trong chưa đầy 5 tháng qua khiến cho châu lục này dễ bị tổn thương hơn và cần phải đánh giá lại chính sách hợp tác của mình đối với Nga.
Hình ảnh 3 nghi phạm đánh bom sân bay Zaventem ở Brussels, Bỉ do camera an ninh ghi lại. (Ảnh: Cảnh sát Bỉ) |
EU - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chia rẽ về vấn đề di dân và khủng bố?
Sau thỏa thuận về nhập cư được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu Ankara sử dụng các cuộc tấn công tại Brussels để đạt được một thỏa thuận chiến lược có lợi hơn cho mình trong đàm phán với EU. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể yêu cầu EU hỗ trợ nhiều tiền hơn, đồng thời đàm phán những điều khoản có lợi hơn cho công dân của mình du lịch tới châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ sử dụng các cuộc tấn công tại Brussels vừa qua để chỉ trích sự miễn cưỡng của châu Âu trong việc chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và người Kurd ở Syria mà Ankara tuyên bố phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu ngày 18/3 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bày tỏ sự bất bình với cách tiếp cận của EU trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố và đối phó với những người di cư. "Không có lý do gì để các quả bom đã phát nổ ở Ankara lại không nổ ở Brussels - nơi mà những kẻ ủng hộ khủng bố có cơ hội để phô trương sức mạnh của mình ngay trong “trái tim của châu Âu” hay ở bất kỳ thành phố nào khác của châu Âu. Tuy nhiên bất chấp sự thật hiển nhiên đó, các nước châu Âu vẫn rất bàng quan dù họ đang "khiêu vũ trên bãi mìn". Bạn không thể biết được khi nào mình đạp trúng mìn nhưng rõ ràng đây là một kết cục không thể tránh khỏi", ông Erdogan nói, ám chỉ đến PKK và các cuộc tấn công khủng bố ngày 13/3 vừa qua tại Ankara khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.
Châu Âu được cho là đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất khi đang phải đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng người tị nạn cũng như những rạn nứt trong nội bộ. Chính vì vậy các chuyên gia cho rằng, vụ tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua hoặc sẽ đoàn kết châu Âu và giúp châu lục này vượt qua thời kỳ khó khăn hoặc làm nó suy yếu hơn nữa./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc