Sau Syria sẽ là Iraq, Ai Cập và Palestine?
Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà báo Mỹ Mark Glenn đưa ra kèm theo lời bình luận: Với các cuộc không kích cực kỳ hiệu quả của mình, Nga “muốn truyền đi thông điệp rằng, nước này sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại Trung Đông. Một khi đánh tan các nhóm khủng bố “do phương Tây tạo ra” tại Syria, họ sẽ tiếp tục tại Iraq, Ai Cập và Palestine”.
Một máy bay chiến đấu của Nga đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh Sputnik |
Chiến thuật này của Nga đang từng bước đẩy Mỹ và phương Tây ra khỏi khu vực trên bình diện quân sự và chính trị vì mục tiêu đảm bảo sự ổn định trên toàn cầu, ông Glenn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Glenn cũng cảnh báo, những nước ủng hộ các lực lượng đối lập cực đoan tại Syria sẽ không chịu “khoanh tay đứng nhìn” mà sẽ tìm cách thay đổi chiến thuật của mình.
“Ván cờ Syria đã tàn. Mỹ chỉ còn cách phủ nhận rằng, mình không tạo ra, nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí, đào tạo và viện trợ cho các nhóm khủng bố này trong khi tính đến phương án B”, ông Glenn nói.
Nhà báo Mỹ tin rằng: “Trong phương án B, Mỹ sẽ chủ yếu tập trung vào việc chống lại sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Nga trong khu vực vốn đầy rẫy bạo lực do sự can dự của Mỹ vào Afghanistan và Iraq- tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của IS và các nhóm cực đoan ở Trung Đông”.
“Với phương án này, vấn đề nhân đạo tại các quốc gia trong khu vực sẽ trở thành thảm họa bởi Mỹ rất giỏi các thủ đoạn”, ông Glenn cáo buộc.
“Đến một mức độ nào đó, hành động của Mỹ sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với toàn thế giới. Cùng với việc hoan nghênh hành động của Nga trong những ngày vừa qua, thế giới cũng có nguy cơ bước vào một chương mới cực kỳ tăm tối trong lịch sử loài người”, ông Glenn nhấn mạnh.
Ông Putin thắng các “kỳ thủ” Mỹ trong ván cờ Syria như thế nào?
Giúp Tổng thống Assad lạc quan về tương lai chính trị
Không chỉ dồn Mỹ và phương Tây vào thế bí, các cuộc không kích của Nga còn giúp lấy lại nhuệ khí cho quân Chính phủ Syria, tạo điều kiện cho lực lượng này liên tục giành được nhiều thắng lợi trước IS và các lực lượng đối lập.
Chiến thắng đó đã tạo ra sự tự tin rất lớn cho Tổng thống Syria Bashar al- Assad, người mà trước thời điểm Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích tại Syria ngày 30/9 bị phương Tây cho rằng, chính thể của ông đang trong tình thế “chỉ mành treo chuông”.
Vị thế của ông Assad được cải thiện đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Nga. Ảnh AP |
Sự tự tin ấy được thể hiện rõ sau cuộc gặp của ông Assad với các nghị sĩ Quốc hội Nga tại thủ đô Damascus của Syria ngày 24/10.
Nghị sĩ Đảng Cộng sản Nga Aleksandr Yushenko cho biết, trong cuộc gặp này ông Assad tuyên bố “sẵn sàng bàn đến việc thay đổi Hiến pháp, tổ chức bầu cử Quốc hội và nếu người dân Syria thấy cần thiết sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn”.
Ông Assad cũng nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống khủng bố sẽ tạo nền tảng cho một thế giới mới công bằng dựa trên chủ quyền quốc gia và sự hợp tác toàn cầu” và nói thêm rằng: “Việc loại bỏ các nhóm khủng bố sẽ tạo điều kiện để tiến tới một giải pháp chính trị như Nga và Syria mong muốn”.
Tổng thống Syria cũng bày tỏ hy vọng sớm được gặp các quan chức khác của Nga như Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, Chủ tịch Hạ viện Sergey Naryshkin và Chủ tịch Thượng viện Valentina Matvienko.
Nghị sĩ Đảng Cộng sản Nga Sergey Gavrilov cho biết: “Ông Assad muốn Chính phủ Nga- Syria hợp tác hiệu quả hơn nữa. Ông Assad coi Phó Thủ tướng Rogozin là một chính khách chuyên nghiệp có khả năng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn như cung cấp viện trợ nhân đạo và giúp phát triển công nghiệp dầu mỏ và khí đốt cho Syria”.
Quân đội IS tấn công các vị trí của IS dưới sự yểm trợ của Không quân Nga. Ảnh Sputnik |
Tổng thống Assad cũng khẳng định rằng, hiệu quả các cuộc không kích của Nga tại Syria đã vượt xa những gì mà các lực lượng đối lập và thậm chí là Mỹ có thể tưởng tượng.
Ông Assad cho biết, dù tin rằng Nga sẽ tiến hành tốt các đợt không kích của mình, nhưng bản thân ông và “thậm chí cả những người Mỹ cũng không thể tin nổi Không quân Nga có thể hoạt động hiệu quả đến vậy”.
Iraq sẵn sàng hợp tác với Nga, IS “không chốn dung thân”
Hiệu quả đáng kinh ngạc của các cuộc không kích của Nga đã khiến IS hoảng loạn và tháo chạy sang Iraq. Không may cho chúng, Nga và Iraq đã đạt được thỏa thuận cùng chống lại lũ phiến quân này.
Ông Hakem al-Zameli, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iraq cho biết: “Iraq đã chấp thuận đề nghị của Nga cùng tham gia tấn công phiến quân IS chạy từ Syria sang”.
Các phi công Nga tại Syria đã trở thành cơn ác mộng kinh hoàng đối với IS. Ảnh Sputnik |
Theo ông Zameli, sự hợp tác này của hai nước cũng sẽ giúp cắt đứt tuyến đường hậu cần xung yếu từ Iraq sang Syria.
Các chiến dịch không kích của Nga cũng được những người Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq nhiệt liệt hưởng ứng.
Các thành viên Tổ chức Shiite Badr cũng tuyên bố, họ hoan nghênh cả các cuộc không kích do Nga tiến hành và cả việc Nga sẽ tăng cường vai trò của mình trên khắp khu vực Trung Đông bởi theo họ “cách Mỹ tiến hành cuộc chiến chống phiến quân IS là “quá hời hợt”.
Tháng trước, Thủ tướng Iraq Haider Abadi từng khẳng định, ông sẽ chào đón Nga tham chiến tại Iraq nếu chiến dịch quân sự của Nga tại Syria thành công tốt đẹp./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc