Kinh nghiệm chằng néo mái nhà ở Thái An
BHG - Là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, những năm gần đây Thái An (Quản Bạ) thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió lốc, gây thiệt hại nhà cửa của nhân dân. Chủ tịch UBND xã Thái An, Vàng Vần Chính, cho biết: “Để chủ động phòng, chống lụt bão, phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong điều kiện kinh tế còn hạn chế và thực hiện chỉ đạo của huyện về tổ chức cho nhân dân chủ động chằng néo mái nhà, tránh thiệt hại bởi thiên tai, xã đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, bảo vệ các công trình trọng điểm bằng cách: Chằng, chống nhà cửa, nâng cao nền nhà… Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai cho người dân.
Ông Sùng Mí Dình, thôn Lố Thàng II chằng lưới thép chống tốc mái nhà. |
Trong các giải pháp về phòng, chống lụt bão, xã đã lựa chọn thực hiện chằng néo mái nhà trước mùa mưa bão để tránh gió, tố lốc, bão nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Qua triển khai tuyên truyền ở các thôn, bà con đã nhất trí thực hiện tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trước đó, xã đã thí điểm vận động nhân dân thực hiện chằng néo mái nhà ở các điểm trường, trụ sở thôn. Vật liệu sử dụng là dây thép B40 và cây tre, vầu; trong đó, xã trích nguồn mua dây thép, người dân góp công sức làm. Qua kinh nghiệm chằng néo mái nhà ở trụ sở thôn, điểm trường thì người dân sẽ về tự làm tại nhà.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lố Thàng 2, Sùng Mí Dình, chia sẻ: “Cả thôn có 73 hộ, hiện có 68 hộ chằng néo xong mái nhà. Khi có chủ trương từ xã, Ban Quản lý thôn đã tổ chức họp, vận động nhân dân chủ động chằng néo mái nhà. Sau khi bà con nhất trí, cả thôn cùng góp tiền vào thuê xe chở vật liệu là lưới thép vào tận thôn. Tính toán chi phí trung bình 1 hộ bỏ ra khoảng 3 triệu đồng để mua vật liệu chằng néo mái nhà. Ngay từ đầu năm, thôn đã bị ảnh hưởng bởi mưa to, gió lốc làm một số hộ dân bị bay, tốc mái nhà. Sau khi chằng néo mái nhà xong, mỗi khi trời mưa gió bà con yên tâm hơn, không lo bị tốc mái nhà, có người bị thương”...
Qua mô hình chằng néo mái nhà đã giúp phát huy tính chủ động của người dân, dần thay đổi cách nghĩ, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đây cũng là mô hình hiệu quả có khả năng nhân rộng để phòng, chống thiên tai tại những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa, bão.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc