Quản Bạ chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai
BHG - Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm trên địa bàn huyện Quản Bạ đã bị ảnh hưởng bởi mưa to và gió lốc gây thiệt hại cho nhiều hộ dân. Chính vì vậy, chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai, giúp giảm thiểu thiệt hại là công việc được Quản Bạ thực hiện thường xuyên.
Người dân thôn Lùng Mười, xã Quyết Tiến tu sửa mái nhà. |
Phát huy sự chủ động trong nhân dân, năm nay, huyện Quản Bạ đã tuyên truyền, vận động bà con tự chằng néo, gia cố mái nhà. Chủ tịch UBND xã Thái An, Vàng Vần Chính, cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, từ đó phát huy tính tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai; rút kinh nghiệm từ các mùa mưa bão trước, nhiều nhà cửa của nhân dân thường bị tốc mái, thủng mái, chính quyền địa phương đã vận động bà con tự chằng néo mái nhà. Hiện nay, có 78/528 hộ, các trụ sở thôn, điểm trường, trạm y tế, nhà công vụ của UBND xã được chằng néo mái nhà. Trước đó, chúng tôi làm mẫu tại các điểm trường, trụ sở thôn cho nhân dân biết và làm theo”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện; nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Huyện đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thường xuyên cảnh báo cho nhân dân mức độ nguy hiểm của sạt lở đất, lũ quét, tốc mái và mưa đá... để mọi người dân biết và phòng tránh.
Nhận định của cơ quan chuyên môn cho thấy, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng thiệt hại năm sau cao hơn năm trước. Do điều kiện cơ sở hạ tầng ở các xã đã xuống cấp, như: Hệ thống kênh, mương, các tuyến đường giao thông nông thôn đã xây dựng xong nhưng xuống cấp nên khi xảy ra mưa bão, gió lốc nước tràn sâu vào khu vực dân cư, gây ảnh hưởng đến nhà ở, hoa màu...
Do phần lớn các hộ dân sống ở khu vực đồi núi hiểm trở, để giảm nhẹ thiệt hại, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê các hộ đang sinh sống, canh tác tại nơi có nguy cơ dễ bị tổn thương, từ đó tuyên truyền cho các hộ thấy mức độ nguy hiểm để chủ động có phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai; thống kê các hộ cần di dời tại khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao. Đến nay, toàn huyện đã di chuyển và ổn định được 134 hộ đến nơi ở mới an toàn, với kinh phí thực hiện 3.288 triệu đồng, đạt 85% kế hoạch.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chú trọng việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có để ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, rà soát, bổ sung vào bản đồ phân vùng úng, lũ quét, sạt lở đất để quản lý và có biện pháp xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc