Khó khăn trong công tác quản lý, cai nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng
BHG - Ngày 14.8.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Hiện tại, đại dịch HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn, công tác quản lý, cai nghiện ma túy diễn biến phức tạp, khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không có giải pháp can thiệp căn cơ, hiệu quả.
Tại tỉnh ta, tính đến hết năm 2024, số người nhiễm HIV còn sống và được quản lý là 726. Trong năm 2024, phát hiện nhiễm mới 27 trường hợp; bệnh nhân HIV/AIDS tử vong là 16 ca. 11/11 huyện, thành phố và 132/193 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Địa bàn có người nhiễm HIV còn sống cao nhất là Bắc Quang 27,6%, thành phố Hà Giang chiếm 22,5%, Vị Xuyên 16,1%, Quang Bình 8,1%, còn lại các huyện khác. Nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu qua đường tình dục và tiêm chích ma túy.
![]() |
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Đạo Đức (Vị Xuyên). |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tệ nạn ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp; các điểm, tụ điểm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy đã triệt xóa vẫn có dấu hiệu phức tạp trở lại; hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn vẫn xảy ra, loại ma túy chủ yếu là Heroin và ma tuý tổng hợp nhóm Amphetamine và các loại chất hướng thần mới “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... đang tiếp tục được sử dụng trong giới trẻ hiện nay.
Hoạt động mại dâm khó kiểm soát do các đối tượng tổ chức chặt chẽ, với thủ đoạn “núp bóng” là nhân viên phục vụ trong các dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng, quán giải khát hoặc gái gọi... đây là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục ra cộng đồng.
Một yếu tố khác khiến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS khó kiểm soát là Hà Giang đang đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút nhiều lao động từ tỉnh khác đến sinh sống và làm ăn. Giới trẻ hiện nay lại có xu hướng đi làm ăn xa tại các thành phố lớn, khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động... dễ tiếp cận với nhiều đối tượng nguy cơ, khi về địa phương rất khó quản lý.
Một số bất cập trong chính sách và pháp luật cũng gây khó khăn cho công tác quản lý người nghiện ma túy. Đơn cử như Luật Phòng, chống ma túy quy định tổ chức cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với người đủ 18 tuổi trở lên. Sự chồng chéo này gây khó khăn trong việc thực thi và áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp. Số liệu về người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang quản lý còn thấp, không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. Việc xác định tình trạng nghiện cũng gặp khó khăn do cơ sở y tế và đội ngũ y, bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Mặc dù tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, nhưng việc triển khai và đảm bảo nguồn kinh phí vẫn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý sau cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và ngăn chặn tái nghiện. Việc thiếu các chương trình hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề và tư vấn tâm lý xã hội khiến người sau cai nghiện dễ rơi vào tình trạng tái nghiện...
Theo Bác sĩ Nông Văn Huyến, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh. Đã duy trì hiệu quả hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS như chích ma túy, mại dâm. Duy trì điều trị Methadone góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng và ổn định an ninh trật tự. Công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, điều trị lao tiềm ẩn đạt 86,2% và điều trị HIV/lao được tăng cường; 91% người nhiễm đang quản lý điều trị ARV đem lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, cai nghiện ma túy, HIV/AIDS và hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh ta có giải pháp căn cơ, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cảnh báo sớm, kiểm soát, quản lý người nhiễm HIV, điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng cường xét nghiệm, theo dõi, lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện. Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Bài, ảnh: MINH KHAI
Ý kiến bạn đọc