“Chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, khắc phục kịp thời”
BHG - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời gian qua, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt ứng phó của các địa phương và cộng đồng theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, khắc phục kịp thời” đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều đợt thiên tai xảy ra tại tỉnh ta. Trong đó có 11 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9, gây lũ lớn trên các sông; lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, các đợt rét đậm, rét hại, dông, lốc kèm theo sét và mưa đá xảy ra khá thường xuyên, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Theo thống kê, toàn tỉnh xảy ra 21 đợt thiên tai khiến 37 người chết; 29 người bị thương; 11.533 ngôi nhà bị ảnh hưởng; hơn 27.000 ha cây trồng bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.700 tỷ đồng.
![]() |
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì thăm hỏi, hỗ trợ người dân tại xã Bản Phùng bị thiệt hại do thiên tai. |
Trên cơ sở phương án ứng phó thiên tai, các sở, ngành và các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cụ thể để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực như: Nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, khu vực an toàn để sơ tán, di dời người dân đến tránh, trú... Trong năm vừa qua, các khu vực bị thiên tai luôn đảm bảo hàng hóa thiết yếu cung ứng cho nhân dân, không để người dân bị đói, rét. Nhờ làm tốt công tác vận động chằng néo mái nhà, khơi thông dòng chảy quanh nhà ở đã giảm được số hộ bị tốc mái, đổ tường, hư hỏng. 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn các Tổ, Đội xung kích phòng, chống thiên tai, kịp thời hỗ trợ nhân dân.
Để triển khai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” hiệu quả, hàng năm tỉnh chỉ đạo diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện để các ngành, các lực lượng tập luyện, phối hợp, hiệp đồng thuần thục, không lúng túng trước các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng, chống thiên tai đã được các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép vào các chương trình hội nghị, qua các sự kiện có liên quan và bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong cộng đồng.
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Hiện nay, toàn tỉnh đã lắp đặt 27 trạm đo mưa tự động, tập trung chủ yếu ở khu vực các xã. Các trạm đo mưa này được ứng dụng công nghệ cao, tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Các trạm đo mưa cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực công tác dự báo, chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai. Sở Khoa học và Công nghệ đã áp dụng đề tài khoa học Nghiên cứu hoạt động của dông, sét để xây dựng 12 mô hình chống sét cho các hộ dân và tập huấn tuyên truyền 7 lớp cho 420 người.
Các hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai được các cấp, các ngành chú trọng. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân. Trong năm 2024 đã huy động tổng kinh phí hỗ trợ các hộ dân sửa chữa, khắc phục thiệt hại về nhà ở trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp trên 16 tỷ đồng; chủ động phân bổ kinh phí để khôi phục cơ sở hạ tầng với kinh phí trên 122 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, các huyện, thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai chưa cao. Nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức tự chủ động trong phòng, tránh thiên tai, thiếu kỹ năng ứng phó, phòng ngừa với các tình huống xảy ra.
Việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra là nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH. Do vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của Nhà nước và Nhân dân.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc