Hoàng Su Phì tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
BHG - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mỗi công dân. Từ đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển. Những năm qua, cấp ủy và chính quyền huyện Hoàng Su Phì luôn tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo đối với công tác PBGDPL trên địa bàn và xác định đây là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên.
Ký kết phối hợp tuyên truyền giữa Phòng Tư pháp và các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. |
Hội đồng Phối hợp PBGDPL của huyện hiện đã được kiện toàn gồm 26 thành viên; trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện là Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là Trưởng phòng Tư pháp; các thành viên gồm lãnh đạo 13 cơ quan chuyên môn: Công an, Quân sự, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự, các Đồn Biên phòng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện của Hoàng Su Phì hiện có 44 người, các báo cáo viên pháp luật cấp huyện hầu hết là cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện đều có thời gian công tác từ 3 năm trở lên và liên quan tới lĩnh vực pháp luật; đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật PBGDPL. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại các xã, thị trấn có 561 người; bao gồm cán bộ, công chức các xã, thị trấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Đồng chí Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoàng Su Phì cho biết: Công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn huyện hiện chủ yếu tập trung vào giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, kinh doanh, việc làm của tổ chức, cá nhân như: Luật Tố cáo, Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Phòng cháy, chữa cháy; Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính..., nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và cư dân các xã biên giới.
Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở được 96 cuộc, cho 14.696 lượt người nghe; in ấn, cấp phát 8 Luật mới ban hành năm 2018 (mỗi Luật 100 cuốn) cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Cùng với sự phối hợp của Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Du lịch huyện và các phương tiện thông tin đại chúng; bình quân mỗi ngày trên địa bàn huyện có khoảng trên 30 nghìn lượt người được nghe các chương trình truyền thanh qua Đài Truyền thanh huyện và các cụm FM không dây. Tuyên truyền thông qua Trang thông tin điện tử huyện và Trang thông tin điện tử 25 xã, thị trấn, bình quân mỗi tháng đăng trên 100 tin, bài có nội dung PBGDPL, thu hút trên 50.000 lượt người truy cập, theo dõi, học tập. Bên cạnh đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện còn tổ chức 30 buổi tuyên truyền PBGDPL tại các đơn vị trường học cho gần 10 nghìn lượt giáo viên, học sinh tham gia nghe, học tập; tổ chức được 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh THPT với trên 1.900 em tham gia; thực hiện tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật được 6 lần cho trên 800 lượt người tham gia; thi tìm hiểu pháp luật thông qua chuyên mục “Vui cùng pháp luật” với gần 2.000 bài dự thi.
Nhờ vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc được nâng lên. Hình thức PBGDPL được đổi mới, phong phú và hấp dẫn hơn; đội ngũ làm công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Những kết quả trên đã góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư (tỷ lệ hòa giải thành đạt 90,5%), thúc đẩy nhiệm vụ phát triển KT – XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền trên địa bàn.
Bài, ảnh: ĐẠI TÂM
Ý kiến bạn đọc