Luật Chăn nuôi 2018: 7 điểm mới, đáng chú ý nhất

08:43, 20/02/2019

Luật Chăn nuôi 2018 được ban hành ngày 19/11/2018 và sẽ có hiệu lực từ năm 2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý Nhà nước về chăn nuôi. Dưới đây, LuatVietnam sẽ chỉ ra những điểm mới nhất của Luật Chăn nuôi so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004.

1. Chăn nuôi là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 quy định giống vật nuôi chỉ bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống.

Giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi 2018 rộng hơn, là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau, bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Trong đó:

- Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.


2. Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại

Hình ảnh gà, vịt được bầy bán tại các chợ căng tròn do bị bơm nước vào thân để tăng khối lượng khi bán đã không còn xa lạ. Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh về giống vật nuôi 2014. Đáng chú ý là các hành vi cấm sau:

- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng;

- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi (trong đó có lợn, gà, vịt,…) nhằm mục đích gian lận thương mại;

- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Phải gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ

Điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 là việc quy định riêng một Mục tại Chương V về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Bao gồm những yêu cầu sau:

- Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi;

- Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, bảo đảm không gian thoáng mát, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống trên đường vận chuyển;

- Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; Có hồ sơ về xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ.

4. Sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép

Lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Luật Chăn nuôi 2018 quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi. Điều 4 của Luật quy định, sẽ sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.

Tại Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018, hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường cũng là hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên trong Luật.

5. Tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã

Theo đó, Khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã.

Quy định này được đưa vào quy định trong Luật nhằm kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng. Theo đó, nghĩa vụ kê khai với UBND được đặt ra cụ thể với:

- Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống (điểm a khoản 3 Điều 23);

 - Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 25);

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 57).

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.

6. Chuồng chăn nuôi nông hộ phải tách biệt nơi ở của người

Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 không quy định các điều kiện cụ thể về quy mô chăn nuôi. Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018 quy định quy mô chăn nuôi gồm có: Chăn nuôi trang trại (chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ); Chăn nuôi nông hộ.

Bên cạnh 6 điều kiện chăn nuôi trang trại, Luật Chăn nuôi 2018 quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng 3 yêu cầu sau đây:

- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang tại và nông hộ; Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.  


7. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

Đây là nội dung mới theo quy định tại Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018. Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi, là một nội dung nhỏ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm:

- Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;

- Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;

- Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

- Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.

Trên đây là những điểm mới của Luật Chăn nuôi 2018. Hiện nay, trên hệ thống dữ liệu của LuatVietnam đã cập nhật đầy đủ, chi tiết các văn bản liên quan đến lĩnh vực NÔNG NGHIỆP-LÂM NGHIỆP, bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây.

Theo: luatvietnam.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết công tác phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên giai đoạn 2016 – 2018

BHG - Ngày 27.12, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 của tỉnh về phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên giai đoạn 2016 – 2018 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 ngày 24.2.2010 (NQLT số 03) giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Dự Hội nghị có Đại tá Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện NQLT số 03 tỉnh; lãnh đạo Tỉnh đoàn cùng các phòng, ban chuyên môn của Công an tỉnh và Tỉnh đoàn.

28/12/2018
Công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam
Chiều 25.12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.
26/12/2018
Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang

BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2728/QĐ – UBND ngày 11/12/2018, về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch căn cứ thi hành. Dưới đây là toàn văn Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang.

25/12/2018
Hoàng Su Phì đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Những năm qua, việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì được triển khai hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật. Thôn 7 Tả Lèng, xã Túng Sán với 100% đồng bào DTTS sinh sống. Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế...

24/01/2019