Cảnh giác âm mưu núp bóng “tổ chức đại diện người lao động”
BHG - Quy định người lao động được thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, được quy định trong Bộ Luật Lao động 2019. Đây là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Việc cho phép thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” là xu thế tất yếu khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XII, Đảng ta xác định: “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật… đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước ta cũng đã ký kết, phê chuẩn một số văn bản, văn kiện quốc tế và quy định cụ thể trong Hiến pháp và các đạo luật khác về quyền tự do liên kết, quyền tự do lập hội.
Đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động tỉnh dự thính phiên thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: TL |
Điều 170, Bộ Luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Bộ luật này đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa Công đoàn và tổ chức của người lao động trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mặc dù đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, cho tới nay vẫn chưa có nghị định hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa quy định này.
Tuy nhiên, giữa Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có những điều khác nhau rất cơ bản. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động và tham gia quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội/nghề nghiệp đơn thuần, chỉ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong phạm vi quan hệ lao động.
Lợi dụng Điều 170 của Bộ Luật Lao động, một số thế lực thù địch, phản động đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp đứng ra thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam; từng bước dụ dỗ, mua chuộc công nhân và người lao động Việt Nam, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức phản động, chống phá ở nước ngoài đã và đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động, nhất là nghị định quy định về quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước. Nếu những tổ chức này không được ngăn chặn sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm lung lạc niềm tin của người lao động và công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thậm chí dẫn đến biểu tình, bạo loạn.
Khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn nhằm đánh bại âm mưu của các thế lực thù địch, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền tỉnh, Công đoàn Hà Giang luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công đoàn tập trung chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Tập trung triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động trọng tâm thiết thực, phù hợp, kịp thời.
Bên cạnh đó, Công đoàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thiết thực như tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động tại doanh nghiệp; tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền xây dựng, ban hành chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Với phương châm “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, Công đoàn Hà Giang ưu tiên triển khai các chương trình phúc lợi, chăm lo đời sống đoàn viên, đặc biệt qua các hoạt động như “Tháng Công nhân” và “Tết sum Vầy” hằng năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thành Đồng (LĐLĐ tỉnh)
Ý kiến bạn đọc