Cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người
BHG - Thời gian qua, hoạt động tội phạm mua bán người (MBN) tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các đối tượng xấu sử dụng các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt để lừa bán nạn nhân sang nước ngoài nhằm thu lợi bất chính. Nhiều phụ nữ, trẻ em gái tại các huyện biên giới chỉ vì sự nhẹ dạ, cả tin đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Để quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt, thì rất cần có sự tham gia tích cực của mỗi người dân.
Chỉ vì sự thiếu hiểu biết và suy nghĩ đơn giản, năm 2021, một người phụ nữ ở Hà Giang đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa phỉnh đưa sang Trung Quốc để bán cho một người đàn ông độc thân mua về làm vợ, với số tiền 2 vạn Nhân dân tệ. Rất may sau đó, chị đã được lực lượng Công an giải cứu và đưa trở về đoàn tụ với gia đình. Sự lo sợ, hoang mang và ân hận trong chuỗi ngày bị lừa bán sang nước ngoài có lẽ là những kí ức kinh hoàng mà cả cuộc đời chị sẽ chẳng thể nào quên được...
Lực lượng Công an tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người. |
Với đặc điểm là tỉnh biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và hàng chục lối mở, đường mòn qua lại trên toàn tuyến, Hà Giang có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để tội phạm buôn bán người triệt để khai thác, lợi dụng hoạt động phạm tội. Bên cạnh việc sử dụng các phương thức thủ đoạn phạm tội truyền thống, hiện nay các đối tượng xấu còn tăng cường lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Zalo... để làm quen, lợi dụng sự tin tưởng của nạn nhân, tạo dựng tình cảm yêu đương, dụ dỗ lừa gạt đưa đi chơi, du lịch, đi lao động việc nhẹ lương cao, lấy chồng ngoại quốc có cuộc sống sung sướng, sau đó tìm mọi cách tiếp cận với các nạn nhân để thực hiện âm mưu phạm tội.
Điểm chung của các nạn nhân khi sa vào cạm bẫy của bọn tội phạm MBN, đa phần đều xuất phát từ những hạn chế về kiến thức cuộc sống và nhận thức pháp luật, một số nạn nhân mang ảo tưởng về một tương lai đổi đời với cuộc sống giàu sang sung túc, về công việc nhàn hạ nhưng mang lại thu nhập tốt... Chỉ đến khi đặt chân đến nước ngoài, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần, khi ấy họ mới nhận ra là đã quá muộn. Nhiều phụ nữ đã không còn cơ hội trở về với gia đình; nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái, đã đánh mất cả tương lai tươi sáng của mình sau khi trở thành những món hàng bị mua bán qua biên giới.
Theo thống kê, trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận và giải quyết 2 tin báo về tội phạm MBN, qua đó đã khởi tố điều tra 2 vụ/3 bị can về tội danh MBN. Tổng số vụ án MBN được thụ lý điều tra 9 vụ/17 bị can; trong đó đã kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 5 vụ/9 bị can. Qua xác minh về các nạn nhân bị mua bán cho thấy, đa số là những người dân thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn hoặc có hoàn cảnh éo le; đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên, nơi KT - XH còn chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, ý thức cảnh giác trước tội phạm và nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế.
Thời gian qua các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, nhất là lực lượng Công an đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân sinh sống tại địa bàn biên giới về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN. Thiếu tá Lâm Văn Nghiêm, Công an huyện Yên Minh cho biết: Công tác tuyên truyền hướng tới nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, như trẻ em, phụ nữ, những người thiếu hiểu biết... Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh thông tin và trợ giúp, bảo vệ các nạn nhân; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân do các lực lượng chức năng phía Trung Quốc trao trả qua các cửa khẩu hoặc công dân vắng mặt lâu ngày, nay tự trở về địa phương.
Để chủ động phòng tránh và không tự biến mình trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, trước hết đòi hỏi mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân trước âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm MBN. Trước khi đi làm xa, đi chơi xa cần chủ động gọi điện thông báo, nhắn tin gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai, và thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình, người thân của mình. Đặc biệt khuyến cáo mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi, cần hết sức cảnh giác, đề phòng trước những người lạ mặt, hoặc người quen biết đi làm xa lâu ngày trở về, hứa hẹn tìm việc hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Cần xem xét, tìm hiểu những lời hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao tại các khu công nghiệp, nhà máy, cửa hàng, quán bar ở trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Cảnh giác trước mọi sự giúp đỡ về tiền bạc hay lợi ích vật chất của người khác mà không rõ mục đích, nhất là với những người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời đi làm, đi du lịch, cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm dự định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các báo chí, qua đài phát thanh - truyền hình, các diễn đàn bổ ích trên mạng xã hội... để tìm hiểu, nâng cao nhận thức xã hội, kiến thức pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ mình. Luôn ghi nhớ địa chỉ và số điện thoại của cơ quan, tổ chức Nhà nước hoặc của người thân để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người dân cũng hãy tự mình trở thành một “tuyên truyền viên pháp luật” để tuyên truyền, vận động chính những người bạn, người thân trong gia đình nâng cao sự cảnh giác với tội phạm MBN. Khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi nghi vấn phạm tội buôn bán người, mọi người dân cần nhanh chóng tố giác, phản ánh đến cơ quan chức năng hoặc lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, không để hậu quả xấu xảy ra.
Bài, ảnh: H. Hạnh - Ng.Lân
Ý kiến bạn đọc