Cảnh giác với thủ đoạn giả danh Công an gọi cập nhật Căn cước công dân
BHG - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Giang ghi nhận thông tin về việc nhiều người thường xuyên nhận được các cuộc gọi là cán bộ Công an các phường. Họ yêu cầu nạn nhân cập nhật Căn cước công dân (CCCD) thông qua đường link lạ, qua đó tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 12.2023, chị N.H.D (sinh năm 1982, trú tại phường Minh Khai, TP. Hà Giang) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Hà Giang. Người này thông báo chị chưa hoàn thiện đồng bộ dữ liệu dân cư trên hệ thống. Đối tượng này sau đó hướng dẫn cập nhật lại thông tin mà không cần tới trụ sở cơ quan Công an bằng cách... gửi link truy cập qua zalo để chị D truy cập. Do quá tin tưởng, chị đã làm theo hướng dẫn và chỉ một vài ngày sau hốt hoảng khi tài khoản ngân hàng bỗng dưng bị trừ tới 70 triệu đồng. Lúc này, nạn nhân mới nhận ra mình “dính bẫy” lừa đảo công nghệ cao và tới cơ quan Công an trình báo.
Công an thành phố làm việc với nạn nhân bị lừa đảo khi cung cấp thông tin qua điện thoại. |
Tương tự, anh N.V.Q, trú tại phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang may mắn hơn. Anh cho biết: Giữa tháng 3.2024, anh nhận được một cuộc gọi lạ, tự xưng là H. làm ở Công an thành phố Hà Giang gọi điện báo, hiện phần mềm VNeID của anh Q. đang có trục trặc, H yêu cầu anh phải lên ngay Công an thành phố để khai lại thông tin. Người này cho biết anh Q. sẽ làm việc với một người tên B. tại trụ sở. Tuy nhiên, do đang bận nên tôi thông báo sẽ liên lạc lại sau. Bất ngờ hơn, chỉ sau đó khoảng 20 phút, anh Q. tiếp tục nhận được cuộc gọi khác của “cán bộ B”, B. nói đã nhận được thông tin về việc sẽ làm việc với anh về việc hoàn thiện các thủ tục liên quan đến CCCD.
Khi anh Q. báo chưa lên được ngay, B. nói, đây là việc “rất gấp và không thể trì hoãn”. B. tiếp tục yêu cầu anh Q. kết bạn zalo để anh ta hướng dẫn khai online nhằm tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, do đã được cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nên anh Q. đã không làm theo hướng dẫn của vị cán bộ Công an tự xưng này. Anh Q. cho biết thêm, không chỉ anh, nhiều bạn bè khác trong cơ quan cũng nhận được các cuộc điện thoại tương tự.
Thủ đoạn của các đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Sau đó, để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ Công an phường/Công an quận thông báo: CCCD chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công… Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn cập nhật qua mạng vì cơ quan Công an phải hoàn thành công việc ngay trong ngày, cập nhật trực tiếp trên ứng dụng được, cài phần mềm để lấy số thứ tự nhanh không phải chờ đợi…
Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại. Sau khi chiếm quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Để tránh trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo sử dụng ứng dụng dịch vụ công giả mạo, cơ quan Công an khuyến cáo: Cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Người dân cần thực hiện nguyên tắc “Hai không”, bao gồm: Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file App. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển). Sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.
Khi phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi trên, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu của các đối tượng.
Bài, ảnh: Ng. Lân - Văn Dũng (Công an tỉnh)
Ý kiến bạn đọc