Quang Bình siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng
BHG - Những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn huyện Quang Bình. Tuy nhiên, tình trạng xâm lấn đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng này, huyện cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Rừng tự nhiên bị phát tại thôn Tân Tiến, thị trấn Yên Bình. Ảnh: H.TUYẾN |
Theo số liệu hiện trạng rừng năm 2021, huyện Quang Bình có tổng diện tích tự nhiên là 78.065 ha. Diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp phân theo mục đích sử dụng, rừng phòng hộ là 17.826 ha, đất rừng sản xuất 43.414 ha. Đối với đất rừng sản xuất, diện tích có rừng là 36.588 ha, trong đó rừng tự nhiên là 24.450 ha và rừng trồng là 10.138 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%. Giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và trồng rừng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, tạo sinh kế vững chắc cho người dân sinh sống gần rừng. Vì vậy, công tác QLBVR là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, tổ chức, các cấp, ngành của địa phương.
Song đáng tiếc, những vụ việc phá rừng, phá rừng chuyển mục đích sử dụng vẫn lén lút xảy ra tại các xã Xuân Giang, Bằng Lang, Hương Sơn, Tân Bắc, thị trấn Yên Bình. Gần đây, qua quá trình kiểm tra, xác minh tình trạng phá rừng tại xã Tân Bắc và thị trấn Yên Bình, các ngành chức năng của huyện đã xác định có 3,8 ha rừng tự nhiên, chức năng sản xuất bị phát tại thôn Tân Tiến, thị trấn Yên Bình và 9,69 ha rừng tự nhiên, chức năng sản xuất bị phát tại thôn Lủ Thượng, xã Tân Bắc. Theo quy định trong Nghị định 35 của Chính phủ, việc phát rừng trên đã vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân thị trấn Yên Bình. Ảnh: HẢI SƠN |
Trong quý II.2022, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức 40 lần tuần tra, kiểm soát rừng tại những vùng giáp ranh, vùng trọng điểm. Qua đó, phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ, xử lý dứt điểm 4 vụ vi phạm với các hành vi khai thác, tàng trữ lâm sản, chiếm rừng trái pháp luật; tịch thu 4,942 m3 gỗ các loại, thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 66,5 triệu đồng. Cùng với công tác tuần tra, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng, địa phương, các tổ bảo vệ rừng trong cộng đồng tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng rừng và tham gia QLBVR. Tuy việc QLBVR đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp, tiếp tay, làm thuê cho các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng; năng lực của cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp phụ trách xã còn yếu trong tham mưu, giải quyết những vấn đề ở cơ sở.
Từ những hạn chế, yếu kém trong công tác QLBVR, UBND huyện Quang Bình thống nhất quan điểm chỉ đạo là quyết liệt, thường xuyên, nắm chắc địa bàn, xử lý chính xác và hiệu quả. Những giải pháp chính được đặt ra là kịp thời rà soát, chỉnh sửa bổ sung quy chế phối hợp QLBVR giữa Hạt Kiểm lâm với các xã, thị trấn; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho các đối tượng, cơ sở sản xuất kinh doanh lâm sản thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; giám sát thường xuyên kiểm tra việc chi trả, quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại các xã và cộng đồng dân cư.
Liên quan đến vụ việc phá rừng tự nhiên tại xã Tân Bắc và thị trấn Yên Bình, trên cơ sở điều tra, xác minh chủ rừng, vị trí, lô khoảnh, diện tích rừng đã phát, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Công an huyện làm rõ bản chất của vụ việc và đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với việc xây dựng các phương án bảo vệ rừng, nhất là ở những điểm nóng, huyện tiếp tục định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung trồng các cây gỗ lớn, từ đó khai thác và phát huy cao nhất lợi thế đất rừng.
HẠ HÒA
Ý kiến bạn đọc