Lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo mua bán thận

08:01, 30/08/2018

Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu ghép thận rất cấp bách của các bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn môi giới bán thận để lừa đảo, chiếm đoạt tiền với số lượng lớn. Hành vi hết sức vô lương tâm này đã bị lực lượng công an bóc trần.

Lên mạng xã hội để lừa đảo

Đại úy Nguyễn Đức Khanh, Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự cho chúng tôi biết. Khoảng đầu tháng 7-2018, cơ quan Công an nhận được đơn trình báo của anh Dương Văn B. (29 tuổi, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang) về việc bị một số đối tượng lừa môi giới mua và ghép thận tại một bệnh viện trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Nhận thấy đây là hành vi vô lương tâm, gây thiệt hại cho người bệnh và nguy hiểm cho cộng đồng, Cơ quan công an đã đề xuất lập chuyên án để điều tra.

“Cò” mua bán thận Đặng Phúc Hoàng Anh (áo đen) bị bắt giữ.
“Cò” mua bán thận Đặng Phúc Hoàng Anh (áo đen) bị bắt giữ.

“Những bệnh nhân thận mãn tính vốn đã phải chịu rất nhiều khổ cực. Cứ khoảng 2 ngày 1 lần, họ phải đến bệnh viện để tiến hành lọc máu, rất đau đớn và mệt mỏi. Bởi vậy, các bệnh nhân đều có một ước mong sẽ được ghép thận để tiếp tục hưởng niềm vui sống. Vậy mà các đối tượng đã gieo cho họ một niềm hy vọng, bắt họ nộp hàng chục, hàng trăm triệu đồng hết lần này đến lần khác rồi cuối cùng biến mất. Cơ quan công an xác định hành vi đó cần phải bị ngăn chặn và chịu sự trừng phạt của pháp luật” - Đại úy Khanh cho biết.

Còn theo Trung tá Lương Huy Giang, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm mua bán người dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, toàn bộ cán bộ chiến sỹ trong Đội đã được chia thành nhiều tổ công tác, nhanh chóng tổ chức xác minh nguồn tin, đồng thời dựng lên các đối tượng trong đường dây. Sau khoảng hơn một tháng trời kiên trì tập trung thời gian nghiên cứu, tìm hiểu quy luật hoạt động của đối tượng môi giới mua bán thận, kết hợp với thông tin mà bị hại cung cấp, các trinh sát đã lần được manh mối của một đối tượng có tên là Ngọc, quê ở Phú Thọ, sống lang thang tại Hà Nội và thường xuất hiện ở khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Song song với việc lần tìm tung tích đối tượng Ngọc, cơ quan điều tra đã tổ chức thu thập thêm những thông tin liên quan đến vụ án và được anh B. cho biết trong lúc suy kiệt vì nghi bị Ngọc lừa đảo, anh B. đã nhờ một nam “y tá” cho mình xem chỉ số HLA (chỉ số kháng nguyên để biết người mua và người bán thận có phù hợp để ghép thận hay không).

“Y tá” có tên Tuấn Anh đã báo giá cho anh B. phải mất 65 triệu đồng để làm thủ tục đi xét nghiệm lại và anh B. đồng ý đưa số tiền trên cho Tuấn Anh. Tuy nhiên, giống với đối tượng Ngọc, sau khi cầm tiền của người bệnh, Tuấn Anh không liên lạc và cũng chẳng hồi âm kết quả cho anh B. biết.

“Do đã lừa khá nhiều người bệnh, dẫn họ đến nhiều bệnh viện lớn của TP Hà Nội nên các đối tượng trong ổ nhóm này rất cảnh giác. Mặc dù số điện thoại của chúng đăng trên một hội kín trên mạng xã hội facebook, song để gặp được các đối tượng không phải là điều đơn giản.

Phải mất rất nhiều thời gian, Ngọc đồng ý cho gặp mặt vào ngày 6-8-2018. Nhưng suốt từ 8 giờ sáng cho đến 15 giờ chiều, Ngọc hẹn gặp ở rất nhiều nơi nhưng vẫn chưa lộ diện. Đến cuối ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện Ngọc đang lang thang tại khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và đã tiến hành bắt giữ” - Đại úy Khanh kể lại.

Đối tượng Trương Minh Ngọc và Trần Tuấn Anh trong ổ nhóm lừa đảo mua bán thận.
Đối tượng Trương Minh Ngọc và Trần Tuấn Anh trong ổ nhóm lừa đảo mua bán thận.

Tại Cơ quan công an, đối tượng được làm rõ là Trương Minh Ngọc (32 tuổi, trú tại xã Tân Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ). Tiếp đó, cơ quan Công an đã tạm giữ các đối tượng liên quan Trần Tuấn Anh (23 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội); Lê Nam Thi (20 tuổi, quê ở Gia Lai, tạm trú tại quận Hà Đông) và Phạm Văn Hải (26 tuổi, quê ở Vũng Tàu, tạm trú tại quận Hà Đông). Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cũng đã bị bóc trần.

Tháng 6-2018, thông qua mạng xã hội facebook, anh B. đọc được thông tin Ngọc có “mối” mua bán thận tại Hà Nội. Liên hệ theo số điện thoại Ngọc cho, anh B. nhận được câu trả lời của Ngọc là sẽ tìm giúp người bán và tiến hành ghép thận cho anh B. với giá tiền trọn gói là 500 triệu đồng. Ngọc yêu cầu anh B. phải nộp trước 150 triệu đồng tạm ứng.

Ngày 4-6-2018, anh B. đã nhờ bố đẻ của mình đưa tiền cho Ngọc và nhận biên lai thu tiền tạm ứng từ bệnh viện T.M. Mãi sau này anh B. mới biết tờ biên lai đó là giả và do đối tượng Tuấn Anh “chế” ra.

Ngay hôm sau, Ngọc tiếp tục gọi điện thoại giục anh B. đưa thêm 50 triệu đồng để làm thủ tục ghép thận. Để anh B. tin tưởng Ngọc bảo đối tượng Thi dẫn anh B. vào bệnh viện đa khoa T.M để khám điện tim và siêu âm tim. Giữa tháng 6-2018, Ngọc tiếp tục yêu cầu anh B. đưa thêm 90 triệu đồng nói là để đưa cho bác sỹ. Trước đó, Ngọc đã bàn với Tuấn Anh và Thi rằng Tuấn Anh sẽ đóng giả là y tá để đọc chỉ số HLA mục đích là để tạo niềm tin cho anh B. để anh tiếp tục đưa tiền.

Ngày 25-6-2018, sau một thời gian chờ đợi nhưng không thấy được bệnh viện gọi lên để ghép thận, anh B. kiểm tra lại thì phát hiện trong danh sách ghép thận của khoa thận tại bệnh viên không có tên mình. Gọi điện cho Ngọc và Tuấn Anh đều không được, anh B. đã làm đơn trình báo lên cơ quan Công an.

Tại cơ quan điều tra, Ngọc cho biết bản thân không có công ăn việc làm ổn định, sống lang thang. Nhiều năm trước, Ngọc đã có ý định bán thận để lấy tiền ăn tiêu. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo nên Ngọc không được bệnh viện đồng ý tiến hành cho - ghép thận.

Từ những hiểu biết về quá trình khám sức khỏe tại bệnh viện, Ngọc đã rủ thêm các đối tượng Tuấn Anh, Thi, Hải mà Ngọc quen trong hội kín trên facebook cùng tham gia lừa đảo với mình. Tuấn Anh được giao nhiệm vụ làm các giấy tờ giả như biên lai thu tiền tạm ứng, giấy hẹn khám... kiêm “y tá”.

Cũng theo điều tra ban đầu từ Cơ quan công an, từ năm 2017 đến nay, Ngọc cùng đồng bọn đã tiến hành lừa đảo trót lọt gần 40 vụ mua bán thận, chiếm đoạt số tiền lên đến nhiều tỷ đồng của các bị hại.

“Cò” mua bán thận xuyên Việt

Trước đó, tháng 6-2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bắt một đối tượng chuyên lừa môi giới mua bán thận xuyên Việt. Bị hại đã mất hàng trăm triệu đồng cho đối tượng mà sau đó phải ngậm đắng nuốt cay.

Tháng 9-2017, biết được chị D.T.T.H. (26 tuổi, trú tại TP Đông Hà, Quảng Trị) bị bệnh thận nặng cần phải ghép thận gấp, đối tượng Đặng Phúc Hoàng Anh (24 tuổi, trú phường Thanh Sơn, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) khoe có thể môi giới mua để thay thận. Sau đó, Hoàng Anh đã môi giới, giới thiệu người hiến thận cho chị H. với chi phí trọn gói là 600 triệu đồng.

Mặc dù đó là số tài sản rất lớn nhưng vì tính mạng của chị H., người thân đồng ý với số tiền mà Anh đưa ra. Lấy lý do khi tiến hành hiến - ghép thận phải xét nghiệm HLA, đối tượng Anh đã yêu cầu người nhà chị H. đưa trước cho mình 50 triệu đồng.

Mặc dù sau khi có kết quả xét nghiệm trên và biết được việc hiến thận của bệnh nhân H. không hề thực hiện được nhưng Hoàng Anh vẫn giấu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về điều này. Với ý định muốn chiếm đoạt tiền của người nhà bệnh nhân, đối tượng tiếp tục yêu cầu người nhà chị H. chi thêm 50 triệu đồng để làm các xét nghiệm tiếp theo. Không dừng lại ở đó, Anh tiếp tục yêu cầu người nhà bệnh nhân đưa thêm 3 lần với số tiền 130 triệu đồng, tổng cộng là 230 triệu đồng.

Cho đến khi gia đình bệnh nhân phát hiện, thời gian làm xét nghiệm, thủ tục kéo dài đã quá lâu nhưng bệnh nhân D.T.T.H. vẫn không được ghép thận theo như thỏa thuận của Hoàng Anh nên đến bệnh viện tìm hiểu thì được biết, người hiến thận và người nhận thận không phù hợp nhiều thông số nên ca ghép thận không thể thực hiện được. Lúc này, gia đình bệnh nhân H. mới biết bị lừa, nhiều lần gọi điện cho Hoàng Anh lấy lại tiền nhưng đối tượng không chịu trả lại. Sau đó, gã khóa điện thoại và biến mất.

Tương tự, vào cuối năm 2017, Đặng Phúc Hoàng Anh cũng chủ động làm quen với anh N.Đ.H (36 tuổi, trú tại xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An) khi biết anh này đang điều trị tại một bệnh viện ở Huế và có nhu cầu ghép thận. Sau khi tự tìm đến làm quen, gã khẳng định như đinh đóng cột là tìm được người cho anh H. một quả thận. Chậm nhất trong vòng một tháng, ca ghép thận này sẽ diễn ra.

Sau khi hai bên thỏa thuận, bệnh nhân H. đồng ý đưa cho đối tượng số tiền 600 triệu đồng sau khi ca ghép thận được thực hiện. Lấy lý do phải làm các xét nghiệm ban đầu, Hoàng Anh yêu cầu bệnh nhân H. đưa cho mình 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do kết quả xét nghiệm của người cho và người nhận không hợp nhau nên Hoàng Anh cắt đứt liên lạc với anh H.

Được biết, do đã từng đi bán thận để lấy tiền tiêu xài nên Hoàng Anh biết rất rõ các thủ tục để tiến hành ghép thận. Gã cũng biết được nhu cầu thực sự của người mua thận rất lớn. Trong khi đó, muốn tìm người bán thận cũng không khó. Bởi, có rất nhiều thanh niên từ 18-30 tuổi dù khỏe mạnh nhưng lại lười lao động, nợ nần vì nghiện ngập, cờ bạc nên luôn sống trong cảnh lo sợ giang hồ tìm đến đòi nợ... vì vậy họ có nhu cầu bán thận để thoát khỏi vòng vây nợ nần. Sau khi nắm bắt được tâm lý của nhiều người, Hoàng Anh bắt đầu đứng ra làm môi giới cho những cuộc mua bán thận xuyên Việt.

Bệnh nhân cần nâng cao cảnh giác

Qua những vụ án trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với thủ đoạn môi giới ghép thận. Các đối tượng lợi dụng việc bệnh nhân và người nhà của họ không nắm được quy trình khám chữa bệnh, xét nghiệm và tâm lý muốn được sớm ghép thật của người bệnh để thực hiện hành vi lừa đảo. Do vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc bệnh thận cần cảnh giác không thực hiện việc khám và xét nghiệm thông qua dịch vụ từ các đối tượng môi giới ngoài bệnh viện.

Đối với các bệnh viện, cần tăng cường quản lý chặt chẽ các bước khám, xét nghiệm cho bệnh nhân, không để đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, các bệnh viện phối hợp với công an cơ sở và cơ quan chức năng chủ động nắm thông tin và phòng ngừa các hoạt động tội phạm, tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà của họ đề cao cảnh giác.

Theo CAND


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần xiết chặt dịch vụ đòi nợ thuê

Làm thế nào để đòi nợ đúng pháp luật? Dĩ nhiên, nếu là quan hệ dân sự thì cần khởi kiện ra tòa án. Nhưng ngay cả khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện thì theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ thu nợ qua cơ quan thi hành án chỉ khoảng 50%; chính vì thế, nhiều chủ nợ tìm đến loại hình dịch vụ đòi nợ thuê.

28/08/2018
Đội Quản lý thị trường số 01, thành phố Hà Giang: Tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

BHG - Ngày 21.8, Đội Quản lý thị trường Hà Giang đã tiến hành tiêu hủy 23 mặt hàng, gồm: Phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu HONDA và YAMAHA cùng với tem mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo nhãn hiệu HONDA, YAMAHA. Số hàng hóa trên được phát hiện vào ngày 25.7.2018, khi đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cửa hàng sửa chữa thay thế phụ tùng xe máy Duy Thường (địa chỉ: Tổ 3, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang)...

23/08/2018
Nâng cao hiệu quả mô hình "Câu lạc bộ vững bước"

BHG - Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình "Câu lạc bộ vững bước", ngày 22.8, UBND Phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới với các thành viên của Câu lạc bộ. Mô hình "Câu lạc bộ vững bước" được UBND Phường Ngọc Hà thành lập từ năm 2014, là tổ chức để giúp đỡ những người đã một thời lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Mô hình gồm có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, các ủy viên và thành viên cùng tham gia... 

23/08/2018
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh: Bắt 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

BHG - Ngày 23.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với 2 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận hồ sơ và tiền để xin việc làm. Hai đối tượng là Hà Thị Bích Ngọc (sinh 1969), trú tại tổ 4 và Nguyễn Diệu Hương (sinh 1981), trú tại tổ 16, phường Trần Phú (TP Hà Giang). Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định trong năm 2015, 2016, cả 2 đối tượng Ngọc và Hương đã có hành vi lừa đảo...

23/08/2018