An toàn giao thông: Ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội
BHG- Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là mối hiểm họa thường trực trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Thời gian qua, tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng đang trở thành vấn đề đáng báo động với hàng trăm vụ TNGT thương tâm liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nhiều về tính mạng con người và tài sản.
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh. |
TNGT ngày càng gia tăng về số vụ và tính chất nghiêm trọng...
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh: Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 57 vụ TNGT làm chết 46 người và 54 người bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 20 nghìn trường hợp; tiến hành xử phạt các lỗi vi phạm nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 7 tỷ đồng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ TNGT, có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 25 người và 28 người bị thương; xử lý hơn 10 nghìn trường hợp vi phạm giao thông. Đa số người tham gia giao thông vi phạm và bị xử lý theo Luật ATGT đường bộ với các lỗi: Không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, có nồng độ cồn (đối với ô tô) và nồng độ cồn vượt quá mức quy định (đối với mô tô, xe gắn máy) ... Trong đó, trên 60% trường hợp vi phạm của người điều khiển giao thông có liên quan đến nồng độ cồn. Ngoài ra, số vụ tai nạn và tính chất nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản từ đầu năm đến nay tăng lên so với cùng thời điểm của năm trước. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết và nhiều người bị thương. Trong đó, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 29.2.2016 giữa 2 ô tô đi ngược chiều tại Km15 + 500 trên QL2 đoạn qua xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đã làm 4 người tử vong, 3 người bị thương nặng và vụ tai nạn ô tô trên địa phận huyện Yên Minh (thời điểm cuối tháng 1.2016) làm 4 người tử vong tại chỗ gây hoang mang cho người dân trên địa bàn.
... Trách nhiệm của người tham gia giao thông
TNGT không chỉ để lại hậu quả vô cùng đau thương và nặng nề dẫn đến tình cảnh “Vợ mất chồng, con mất cha, gia đình mất người thân...” mà TNGT còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của những người bị nạn. Tâm sự với chúng tôi, bà Linh Thị Lành, thôn Hùng Tiến, xã Hùng An (Bắc Quang) nhớ lại vụ tai nạn kinh hoàng cách đây 3 năm mà chính bà là nạn nhân với một giọng trầm buồn: Vào thời điểm cuối năm 2013, khi đang dọn dẹp hàng quán, bất ngờ một chiếc xe khách mất lái đã lao vào gây tai nạn cho bà, do vết thương quá nặng nên buộc bác sĩ phải cắt bỏ một bên chân. Gần 3 năm sau vụ tai nạn đó, dù rằng vết thương đã được chữa trị nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn là nỗi ám ảnh với bà Lành. Giờ đây, mỗi bước đi là một bước khó khăn, mọi công việc, sinh hoạt trong gia đình, bà đều phải nhờ cậy vào con, cháu. “Nhất là khi thời tiết thay đổi, vết thương lại đau nhức và hành hạ mỗi đêm” – Bà Lành chia sẻ.
Đó không chỉ là nỗi đau riêng bà Lành phải chịu đựng mà còn có hàng trăm nạn nhân đang cùng chung cảnh ngộ đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do TNGT gây ra. Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Hàng năm, trên toàn tỉnh TNGT đã cướp đi sinh mạng hàng chục người và nhiều người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân, Phòng CSGT đã thành lập các Tổ kiểm soát hoạt động liên tục phối hợp cùng với Công an các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp: Kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra tốc độ tất cả các phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh... Nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người điều khiển phương tiện.
Nhiều năm qua, các cơ quan, chính quyền và lực lượng chức năng đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyền truyền dưới nhiều hình thức. Trong số đó có việc tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu trên các con đường, tuyến phố từ thành thị đến nông thôn với nội dung như: “Đằng sau tay lái là gia đình, người thân”, “Một người có ý thức chấp hành Luật giao thông đem lại hạnh phúc cho nhiều người”, “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông là bảo vệ mình và mọi người”, “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” ... nhằm nhắc nhở và cảnh báo cho mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm mỗi khi tham gia giao thông. Bởi lẽ, ý thức của mỗi người là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định tạo nên văn hóa giao thông, giải quyết vấn nạn về TNGT, đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc