Hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi
BHG- Chiều 27.10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; tại điểm cầu Hà Giang, có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành...
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Giang. |
Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn cả nước có 900 giấy phép cấp cho các cá nhân, tổ chức khai thác, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, sỏi trên sông, trong đó hơn 400 giấy phép còn hiệu lực. Mặc dù có giấy phép, nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn vi phạm chủ yếu ở khâu không thực hiện đầy đủ thủ tục đánh giá tác động môi trường; không ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không thực hiện việc giám sát môi trường xung quanh; hoạt động khai thác lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng gây cản trở giao thông; không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông; khai thác vượt quá khối lượng, số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định. Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh, chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng, các công ty được cấp phép khai thác thuộc địa bàn tỉnh này đã tổ chức khai thác hoặc thu phí phương tiện khai thác thuộc địa phận tỉnh khác...
Hiện nay có khá nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát được cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các đơn vị có dấu hiệu lợi dụng giấy phép, tổ chức khai thác cát, sỏi ngoài khu vực, nạo vét luồng hàng hải nhưng lấn sâu vào các tuyến đường thủy, cảng nội địa, vi phạm độ sâu... tác động tiêu cực đến môi trường, gây sạt lở, xâm thực, đe dọa an toàn đê sông, biển. Do nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng hạ tầng cơ sở ngày càng lớn nên hoạt động khai thác diễn ra phức tạp trên hầu hết các dòng sông. Từ năm 2009 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ các đối tượng hút cát trái phép dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn, tranh giành địa bàn, khu vực khai thác, chống người thi hành công vụ.
Trên địa bàn tỉnh ta, có trên 477 nghìn m3 cát, sỏi thuộc 146 điểm trong quy hoạch với tổng diện tích gần 83 ha. UBND tỉnh đã cấp 11 giấy phép thăm dò, 1 giấy phép khai thác, phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò cho 9 mỏ khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Từ tháng 11.2014 đến nay, cấp có thẩm quyền đình chỉ hoạt động đối với 21 điểm/21 tổ chức, cá nhân có hành vi thăm dò, khai tác cát, sỏi lòng sông không có thủ tục theo quy định; kiểm tra, phát hiện 7 vụ/7 đối tượng có hành vi khai thác cát, sỏi, lòng sông trái pháp luật, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 triệu đồng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc nạo vét, khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, cửa biển diễn biến rất phức tạp, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân. “Cát tặc” là một loại tội phạm, cần phải xử lý. Nguyên nhân có nhiều, nhưng do chính quyền các cấp, ngành chức năng buông lỏng quản lý, xử lý không cương quyết, có hiện tượng bảo kê. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đấu tranh với loại tội phạm này; xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ, các đối tượng bảo kê cho “cát tặc” lộng hành; các bộ, ngành cần tiếp thu kiến nghị của các địa phương, có giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi; tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh với tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép...
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc