Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành Luật Hộ tịch
BHG- Ngày 17.7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND; các thành viên Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước…
Luật Hộ tịch được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 20.11.2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; Luật hóa tiêu chuẩn của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch và đề cao trách nhiệm của đội ngũ này trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, bảo đảm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn… Tại Hà Giang, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã đáp ứng được nhu cầu người dân. UBND tỉnh đã trang bị phần mềm quản lý hộ tịch cho UBND của 195 xã, phường, thị trấn; việc ứng dụng CNTT trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch tiếp tục được triển khai; công tác tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch được quan tâm thực hiện…
Để Luật Hộ tịch sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, khẩn trương ban hành kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện; tập trung rà soát, đánh giá đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn để bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật…
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc