Những đối tượng trong vụ “cát tặc” trên sông Hồng:
Bán tài nguyên của Nhà nước, "bỏ túi" hơn 12 tỷ đồng
Những ngày qua, việc lực lượng Cảnh sát đột kích bắt "cát tặc" trên đoạn sông Hồng chảy qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vẫn đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi các đối tượng này đã đội lốt công ty cứu hộ, cứu nạn mà hoành hành dọc khúc sông Hồng, đoạn chảy qua huyện Phúc Thọ. Chúng không chỉ "ăn" tiền tỷ từ tài nguyên của Nhà nước, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT, an toàn đê điều và đời sống của bà con trong khu vực...
Cầm đầu nhóm "cát tặc" này là Vũ Anh Toàn, còn gọi là Toàn "cụt", một tay anh chị cũng có "số má" ở Hà Nội. Sở dĩ gã có biệt danh này bởi một ngón tay đã bị cụt trong một cuộc ẩu đả với một nhóm côn đồ khác. Năm 2004, Toàn bị một tiền sự về hành vi hủy hoại tài sản, đến năm 2005, bị TAND quận Thanh Xuân xử phạt 15 tháng án treo về tội cố ý gây thương tích.
Nhóm “cát tặc” bị đưa về trụ sở Cục Cảnh sát hình sự tối 14/11. |
Là dân giang hồ nên Toàn "cụt" thu thập đám đệ tử dưới trướng chủ yếu cũng là thanh niên hư, không nghề ở địa phương hoặc địa bàn lân cận. Để che mắt thiên hạ, Toàn thành lập và làm Giám đốc Công ty cổ phần Vân Phúc có trụ sở tại xã Vân Phúc (Phúc Thọ) với chức năng cứu nạn, cứu hộ trên sông Hồng. Thế nhưng, đó chỉ là “vỏ bọc” bên ngoài, thực chất chúng hoạt động “bảo kê” cho việc khai thác tài nguyên cát trái phép giữa lòng sông Hồng.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, mặc dù không có Giấy phép khai thác khoáng sản (cát) nhưng Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã thỏa thuận với 19 phương tiện cẩu, tàu cuốc đến khu vực lòng sông Hồng thuộc địa phận xã Vân Nam và Vân Phúc (Phúc Thọ) để khai thác cát trái phép bán cho các tàu đến mua cát. Để thực hiện hoạt động này, Toàn, Hiểu đã thuê các đối tượng Trần Việt Anh, Đặng Văn Thành, Đoàn Hồng Sơn, Nguyễn Ngọc Lâm làm nhiệm vụ thu tiền bán cát do các tàu cuốc khai thác. Toàn và Hiểu giao cho nhóm "thu tiền" một quyển sổ, phiếu giao nhận vật tư gồm 2 liên để ghi chép việc thu, chi từ việc bán cát. Mỗi khi có tàu nào đến mua cát, các tàu cuốc múc cát lên cho các tàu này xong thì nhóm "thu tiền" sẽ xuất hiện. Chúng đo khối lượng cát và tính tiền với giá từ 30 nghìn đến 60 nghìn đồng/m3. Số tiền bán cát thu được, theo thỏa thuận trước của Toàn, nhóm "thu tiền" sẽ trích lại từ 30-50% cho tàu cuốc và viết biên lai liên 2 cho quản lý tàu cuốc, số tiền còn lại cùng biên lai liên 1 chuyển cho tên Hiểu.
Những tàu khai thác cát trái phép đang bị neo giữ. |
Việc khai thác cát và nhận tiền khai thác cát hằng ngày cũng được các quản lý tàu cuốc ghi chép cụ thể vào sổ riêng để theo dõi. Với phương thức làm kiểu này, theo lời khai của nhóm "thu tiền", hằng ngày chúng thu được từ 30 đến 60 triệu đồng/1 tàu cuốc. Khi bị bắt, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ được của Thành 36,7 triệu đồng; Lâm 22 triệu đồng là tiền bán cát chưa kịp giao nộp cho Hiểu. Cũng tại thời điểm này, cơ quan điều tra đã phát hiện và tạm giữ tổng 1.680m3cát do các tàu cuốc vừa khai thác.
Với tài liệu điều tra thu thập được, đến nay, cơ quan điều tra đã xác định, trong thời gian từ tháng 9/2014 đến nay, Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu cuốc khai thác và bán được khoảng 243.382m3cát, thu về số tiền hơn 12 tỷ đồng. Nếu tính theo tỷ lệ ăn chia với các tàu cuốc thì chỉ trong thời gian ngắn nói trên, bọn Toàn đã "ăn" khoảng 6 - 8 tỷ đồng từ việc bán tài nguyên của Nhà nước. Không mất bất cứ chi phí gì, nhóm “bảo kê” này đã thu về một khoản “phế” khổng lồ mỗi ngày từ việc “rút ruột” sông Hồng.
Trong quá trình tiến hành điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của cơ quan chức năng và người dân địa phương phản ánh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát trái phép của nhóm Toàn "cụt". Theo phản ánh của UBND huyện Phúc Thọ, hoạt động của Công ty cổ phần Vân Phúc trong thời gian vừa qua có nhiều dấu hiệu, biểu hiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa giao thương giữa các địa phương trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Để vận chuyển cát, Công ty cổ phần Vân Phúc sử dụng nhiều máy xúc, ôtô trọng tải lớn gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã nhiều lần ngăn cản nhưng bị các đối tượng ngang nhiên chống lại, thậm chí đe dọa cán bộ làm nhiệm vụ và lãnh đạo các xã.
Đồng thời, theo chính quyền và người dân địa phương, hoạt động khai thác cát của nhóm Toàn "cụt" đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê điều. Tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vân Phúc và khu vực hạ lưu kè Vân Cốc là 2 vị trí bị sạt lở nhiều nhất trên địa bàn huyện Phúc Thọ do ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát trái phép. Sạt lở ở khu vực này xuất hiện từ năm 2010, những năm gần đây sạt lở nhiều hơn. Mỗi năm tại khu vực này bị ăn sâu vào bờ hữu từ 3-5m. Đồng thời, việc khai thác cát trái phép một cách tràn lan như trên đã làm thay đổi dòng chảy, đẩy nhanh quá trình sạt lở đất bờ hữu sông Hồng dẫn đến diện tích đất canh tác ven sông của các hộ dân trên địa bàn hai xã Vân Nam, Vân Phúc bị eo hẹp. Các tàu cuốc có trọng tải lớn, sử dụng tàu thuyền hoạt động trong thời gian dài gây tiếng ồn lớn, xả khói... làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nơi đây.
Sau khi nhóm "cát tặc" của Toàn "cụt" bị lực lượng Công an "đột kích", bắt giữ, bình yên đã bắt đầu trở về với người dân ven sông trên địa bàn hai xã Vân Phúc, Vân Nam của huyện Phúc Thọ. Tại khúc sông thuộc bến đò Vân Nam, Cụm dân cư số 1, xã Vân Nam, toàn bộ số tàu thuyền trước đây tham gia khai thác cát trái phép đã bị buộc dừng hoạt động và neo đậu tại nơi bờ kè. Không còn cảnh hàng chục xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau vận chuyển cát như trước khi có cuộc đột kích của lực lượng Cảnh sát. Người dân ở đây, ai cũng phấn khởi, tuy những hậu quả do hoạt động khai thác cát trái phép của nhóm "cát tặc" chưa thể khắc phục trong một sớm, một chiều.
Ngày 19/11, liên quan đến vụ "cát tặc" trên sông Hồng, theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan CSĐT - Bộ Công an đối với 6 đối tượng về hành vi "vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại Điều 172-BLHS. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Vũ Anh Toàn, tức Toàn "cụt", 41 tuổi, trú tại phường Nhân Chính (Thanh Xuân); Nguyễn Ngọc Lâm, 27 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây; Đặng Văn Thành, 22 tuổi, trú tại xã Vân Nam (Phúc Thọ); Đoàn Hồng Sơn, 22 tuổi, trú tại xã Cẩm Đình (Phúc Thọ); Trần Việt Anh, 26 tuổi, trú tại phường Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Văn Hiểu, 27 tuổi, trú tại xã Vân Phúc (Phúc Thọ). Đồng thời, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn Lệnh tạm giam 4 tháng của cơ quan CSĐT đối với 4 bị can: Nguyễn Ngọc Lâm, Đặng Văn Thành, Đoàn Hồng Sơn, Trần Việt Anh; Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu. Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự (C45) đang tập trung lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy bắt 2 bị can Vũ Anh Toàn, Nguyễn Văn Hiểu và điều tra mở rộng vụ án. Trước đó, như Báo CAND đã đưa tin, ngày 8/11,các lực lượng của Cục Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP Hà Nội đã bất ngờ bao vây, bắt giữ nhóm hoạt động khai thác cát trái phép gồm 21 tàu cuốc, trên 20 tàu chuyên chở phục vụ cho việc khai thác cát trộm và hơn 20 đối tượng có liên quan. |
Ý kiến bạn đọc