Mạo danh Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc BV Phụ sản Trung ương xin việc làm để lừa đảo
Từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga và Hạnh đã làm giả 35 thẻ nhân viên y tế các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội; nhận 39 hồ sơ xin việc của ông Tá và chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.
Chiều 20/11, Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội cho biết, Đội chống hàng giả thuộc Phòng này đã phát hiện 2 đối tượng giả danh cán bộ Bộ Y tế, mạo danh một Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương và thư ký của Thứ trưởng này để gọi điện thoại, nhắn tin cho những người có nhu cầu xin việc làm, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tác giả của kịch bản nêu trên chính là Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga.
Vương Thúy Nga (áo xanh) và Lê Thị Bích Hạnh (áo trắng) tại cơ quan Công an. |
Theo đó, tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội, đối tượng Lê Thị Bích Hạnh, sinh năm 1983, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã khai nhận: Khoảng tháng 12/2003, Hạnh thông qua một người quen, Hạnh biết ông Đào Văn Tá có nhu cầu xin việc làm cho một số người đã học ngành y nhưng chưa có việc làm nên Hạnh đã tạo niềm tin, bắt mối với ông Tá. Để "tạo lòng tin" với ông Tá, mặc dù không có nghề nghiệp nhưng Hạnh vẫn tự nhận là nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có khả năng xin việc cho ai có nhu cầu vào làm việc tại một số bệnh viện và cơ quan khác. Điều kiện để xin được việc làm là sau khi nhận hồ sơ và tiền đặt cọc của những người xin việc, ông Tá phải giao đặt tiền "chi phí" cho Hạnh. Ông Tá tin là thật và đã giao cho Hạnh 21 hồ sơ xin việc làm, kèm theo số tiền là hơn 3,1 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, để tạo niềm tin với các bị hại và ông Tá, Hạnh đã nhờ Vương Thúy Nga, sinh năm 1975, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đóng giả là nhân viên phòng Kế hoạch – Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và giả nhân viên của Sở Nội vụ TP Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn, xin việc làm tới một số người nêu trên.
Qua đó, Hạnh đã tự khắc một tiêu đề "Điều dưỡng Trung cấp" để đóng vào áo Blue mà mình khoác trên người khi gặp bị hại; và đóng tiêu đề "Bộ Y tế" trên hồ sơ xin việc, phát cho những người có nhu cầu xin việc làm để làm tin. Sau đó, Hạnh chuyển hồ sơ này cho Đoàn Văn Tá. Sau khi nhận tiền đặt cọc, Lê Thị Bích Hạnh đã không xin việc được cho một trường hợp nào nên đã trả cho Đoàn Văn Tá hơn 1,6 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Vương Thúy Nga khai nhận, khoảng đầu tháng 4/2014, Nga được Hạnh thuê đóng giả nhân viên Phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên Sở Nội vụ TP Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn xin việc cho những người đã nộp hồ sơ cho Đoàn Văn Tá. Với số tiền công 200 nghìn một lần "đóng vai", đồng thời, Nga được Hạnh hướng dẫn cho người xin việc ký khống vào phiếu trả lời các câu hỏi dự thi công chức và thu của mỗi người 500 ngàn đồng/phiếu. Tổng số tiền Nga và Hạnh đã thu được là 4 triệu đồng.
Tang vật chứng của vụ án . |
Qua một thời gian, một số người nghi ngờ Hạnh và Nga giả mạo chức danh để chiếm đoạt tài sản, vì Hạnh và Nga sau một thời gian dài không thực hiện được như cam kết của mình, nên đã tố cáo với cơ quan Công an. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga và Hạnh đã làm giả 35 thẻ nhân viên y tế các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội; nhận 39 hồ sơ xin việc của ông Tá và chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng. Căn cứ vào tài liệu thu thập được và lời khai của các đối tượng, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Vương Thúy Nga, còn Lê Thị Bích Hạnh đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại.
Như vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định ổ nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 6 tỷ đồng của nhiều bị hại
Ý kiến bạn đọc