Cân tải trọng xe - những kết quả bước đầu
HGĐT- 2.100 lượt phương tiện qua kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), trong số đó chỉ có 294 trường hợp vi phạm, 22 xe phải hạ tải với 257 tấn hàng hóa, 251 trường hợp bị tước Giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn, nộp phạt vào ngân sách trên 1 tỷ đồng. Kết quả trên đưa tỉnh ta vào tốp địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cân tải trọng xe.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của lực lượng chức năng, các tài xế cơ bản chấp hành, đưa xe vào Trạm cân tải trọng.
Luôn bám đường, bám trạm:
“Luôn bám đường, bám trạm, không để xe quá tải vượt trạm” - đó là khẳng định của các cán bộ lực lượng liên ngành Thanh tra giao thông, CSGT, Cảnh sát trật tự (Công an tỉnh) làm việc tại Trạm KTTTX lưu động số 20. Điều này khiến tình trạng xe quá tải, hay còn gọi “căn bệnh kinh niên”, từng bước được kiểm soát. Tính đến nay, Trạm KTTTX lưu động số 20 hoạt động liên tục được hơn 8 tháng các cán bộ liên ngành luôn túc trực 24/24h.
Nhiều lần thực hiện “hai cùng” (cùng ăn, cùng trực) với lực lượng chức năng, chúng tôi cảm nhận được nỗi vất vả, mệt nhọc và nguy hiểm của các anh luôn đối mặt trên đường. Những ngày đầu mới ra quân, áp lực rất lớn, thời điểm này phần lớn tài xế vẫn mang tư tưởng đối phó, hàng hóa vẫn ngất ngưởng trên xe, khi đến gần vị trí lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các xe sang tải và khi qua trạm tiếp tục xếp hàng trở lại. Nhiều trường hợp, lái xe chờ lực lượng chức năng giao ca, đêm khuya để vượt trạm, khi bị phát hiện liền gọi điện nhờ can thiệp, không ký biên bản vi phạm.
Còn nhớ, thời điểm Trạm KTTTX lưu động 20 di chuyển từ Quốc lộ 2 vào giảm tải tuyến 279, dựng trạm tại khu vực trung tâm huyện Quang Bình có thời gian làm việc dài nhất, căng thẳng nhất. Gần một tháng đặt trạm, lực lượng chức năng phải đối mặt với đủ chiêu, trò của cánh tài xế xe tải chở gạo. Tuyến Quốc lộ 279 nối Hà Giang - Lào Cai bị tắc, hơn 100 xe tải hạng nặng ken dày hàng nghìn mét khiến giao thông gần như bị tê liệt. Trong khi đó, các xe tải vẫn ùn ùn kéo vào khiến đường 279 bị cày sới nham nhở, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Dựng trạm tại đây, lực lượng chức năng dù mỏng, nhưng vẫn phải cắt cử người tham gia điều tiết, giải tỏa ánh tắc và tiến hành cân tải trọng. Đối phó với lực lượng chức năng, các tài xế đóng kín cửa, bỏ đi nơi khác, không đưa xe vào cân. Nhưng với thái độ cương quyết, nghiêm túc, đúng mực của cán bộ thi hành công vụ, sau một thời gian “thi gan” các lái xe đành đưa xe vào cân và buộc phải hạ tải trước khi lưu thông.
Làm việc liên tục trên đường, đối mặt nhiều nguy hiểm nhưng cán bộ thuộc biên chế Trạm KTTTX lưu động số 20 gần như chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách. Những khi trạm cân hoạt động tại vị trí đầu đường dẫn vào thành phố, hết ca anh em về nhà nghỉ, nhưng khi di chuyển đến các vị trí khác thì sinh hoạt hàng ngày gặp rất khó khăn. “Khó khăn, vất vả luôn thường trực, nhưng các cán bộ vẫn kiên trì, bám trạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tinh thần làm việc nghiêm túc đã góp phần nâng cao nhận thức của lái xe, chủ hàng, hoạt động kiểm soát tải trọng có chuyển biến tích cực” - đồng chí Vương Xuân Phúc, Chánh Thanh tra giao thông khẳng định. Điều này được minh chứng ở con số 2.100 lượt phương tiện qua kiểm tra tải trọng, trong đó chỉ có 294 phương tiện vi phạm, 22 xe phải hạ tải với 257 tấn hàng hóa, 251 trường hợp bị tước GPLX có thời hạn, số tiền nộp phạt vào ngân sách trên 1 tỷ đồng.
Cơ động trên các tuyến đường:
Sau nhiều tháng Trạm KTTTX duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, nhìn chung tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh đã giảm rõ rệt. Nói như vậy, không có nghĩa tất cả lái xe đã chấp hành, bằng chứng là vào những ngày mưa, trạm cân không phát huy tác dụng, lập tức xe tải nặng lại ì ạch trên đường. Hoặc khi trạm cân lập chốt ở Quốc lộ, tài xế cho xe chạy vào các tuyến đường tỉnh, vòng qua vị trí lực lượng chức năng. Chính vì vậy, có thời điểm các tuyến đường địa phương như 183, 177, 178 bị xe quá tải cày nát bươm.
Mới đây nhất, hàng chục xe tải chở sắn tươi quá tải từ các tỉnh lân cận lên cửa khẩu Thanh Thủy đã lao vào đường địa phương, nhằm tránh trạm. Trước thực trạng đó, lực lượng liên ngành đã sử dụng cân xách tay lưu động trên tuyến 177, 178, 183, Quốc lộ 279. Trong thời gian ngắn, từ ngày 19-30.10, đã phát hiện, xử lý 29 trường hợp, tổng số tiền phạt gần 171 triệu đồng. Nhiều trường hợp bị xử phạt mức cao từ 11-14 triệu đồng như tài xế Dương Tuyên Quang (Yên Sơn - Tuyên Quang), không có GPLX vẫn ngang nhiên điều khiển xe tải BKS 22C-009.69 chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường bộ trên 50%; lái xe Nguyễn Mạnh Hùng (Phú Thọ), điều khiển xe 19C-040.52 của Công ty TNHH Trọng Tấn tự ý cải tạo hình dáng, kích thước xe; tài xế Phạm Xuân Linh (Bảo Thắng - Lào Cai), điều khiển xe BKS 24C-011.08 chở hàng vượt trọng tải thiết kế trên 50%, bị xử phạt 6 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng, nhưng khi tổ công tác di chuyển, Thắng vẫn cố tình cho xe chạy lên cửa khẩu.
Đánh giá hoạt động cân tải trọng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: Công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải được UBND tỉnh, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, vì vậy xe quá tải giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hoạt động cân tải trọng cũng bộc lộ không ít khó khăn, bộ cân lưu động chỉ kiểm tra được một chiều, các tuyến đường chạy qua địa bàn tỉnh vừa hẹp, quanh co, bên vách núi cao, bên vực sâu, rất khó đặt trạm cân. Mặt khác, lực lượng làm việc tại trạm cân rất mỏng, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ nên chưa ngăn chặn triệt để xe quá tải. Bên cạnh đó, do chưa có phương tiện hạ tải, kho, bãi chứa hàng hóa nên với xe chở hàng tươi sống, hàng nông sản vi phạm, lực lượng liên ngành chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu lái xe cam kết chấp hành quy định.
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả KTTTX, UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ GT-VT, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ cho xây dựng bệ đặt cân, bãi hạ tải trên các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh, đồng thời nghiên cứu, giải quyết cho lực lượng tham gia cân tải trọng được hưởng chế độ đặc thù, chế độ bồi dưỡng phù hợp. Có như vậy mới khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm làm việc và ngăn chặn mầm mống tiêu cực.
Ý kiến bạn đọc