Góp phần ngăn chặn tình trạng mua, bán người trên địa bàn tỉnh
HGĐT - Hà Giang có 277,5km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Trên tuyến biên giới có 1 Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; 3 cửa khẩu Quốc gia là Xín Mần, Phó Bảng, Săm Pun; 22 cửa khẩu tiểu ngạch và rất nhiều đường mòn thông sang Trung Quốc. Với điều kiện đó, việc giao lưu đi lại, trao đổi hàng hóa thông thương giữa nhân dân hai nước diễn ra khá thuận lợi, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm lợi dụng sự qua lại của nhân dân để trà trộn và tiến hành các hoạt động phạm pháp nhằm trục lợi cá nhân, trong đó có hoạt động mua, bán người qua biên giới.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tính từ năm 2010 đến cuối năm 2013, trên địa bàn tỉnh ta phát hiện gần 70 vụ mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em với 107 đối tượng tham gia. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 12 đối tượng bắt cóc, mua, bán người; 23 trường hợp phụ nữ nghi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Tổng đài đường dây nóng phòng, chống mua, bán người 18001282 tỉnh Hà Giang đã đi vào hoạt động.
Nguyên nhân sâu xa của tệ nạn mua, bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới chủ yếu là do điều kiện kinh tế ở các xã vùng cao, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Những hộ nghèo, có lao động nhưng không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình. Từ cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn dẫn đến một số phụ nữ, trẻ em gái nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời dụ dỗ “đường mật” của những phần tử xấu, rồi bị lừa bán sang bên kia biên giới. Bên cạnh đó, do đường biên giới dài với nhiều đường món thông sang bên kia biên giới nên công tác quản lý việc xuất, nhập cảnh trên địa bàn các xã biên giới còn nhiều bất cập. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng người dân tự do đi lại qua biên giới để làm ăn diễn ra khá phổ biến, tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có trên 12.000 lượt người Việt Nam đi sang Trung Quốc lao động tự do. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm lợi dụng thực hiện các hoạt động mua, bán người qua biên giới. Phần lớn trình độ học vấn của nạn nhân rất thấp, thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế nên dễ bị lợi dụng, lừa gạt, dụ dỗ mà không lường trước được tính chất nguy hiểm và thủ đoạn của bọn tội phạm. Điều đặc biệt nguy hiểm là bọn tội phạm đã dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn bạo để lừa gạt cả những người thân quen trong gia đình và dòng họ. Điển hình là trước đây ở tỉnh ta đã xảy ra các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng trên một số xã biên giới, mục đích của bọn tội phạm đó là bắt cóc trẻ em. Một trong những nguyên nhân khác đó là công tác tuyên truyền, giáo dục về thủ đoạn, hành vi, nguy cơ, tác hại của nạn mua, bán người chưa được triển khai sâu, rộng đến tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh để nâng cao nhận thức, giúp nhân dân chủ động phòng tránh.
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mua, bán người trên địa bàn. Trong đó, các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền các cấp tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn, tác hại của nạn mua, bán người nhằm nâng cao nhận thức, giúp bà con nhân dân chủ động phòng tránh kịp thời và phát hiện hành vi vi phạm để thông báo với cơ quan chức năng. Đồng thời, các ngành chức năng như Công an, Biên phòng, dân quân tự vệ địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài để bán. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và nắm bắt tình hình người lao động đi sang Trung Quốc lao động tự do. Ngành chức năng, đặc biệt là Công an tỉnh hợp tác, phối hợp với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống và điều tra, xử lý các vụ việc mua, bán người. Trong những năm qua, tỉnh ta đã tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh để hỗ trợ cho 590 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị lừa bán từ nước ngoài về do phía Công an Trung Quốc phát hiện, giải cứu và làm thủ tục trả về Việt Nam. Bên cạnh các giải pháp trên, tỉnh cũng quan tâm, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua các chương trình, đề án, dự án xóa đói giảm nghèo, người dân đã được tiếp cận nguồn vốn, con giống, cây giống để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Các địa phương cũng quan tâm thực hiện mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, giúp người lao động có nghề và việc làm ổn định, hạn chế tình trạng sang Trung Quốc làm thuê trái phép.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế tình trạng mua, bán người trên địa bàn tỉnh vẫn không giảm. Xuất phát từ tình hình đó, việc triển khai, thực hiện Dự án “Đường dây nóng phòng, chống mua, bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang” là hết sức cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Hiện nay, đường dây nóng phòng, chống mua, bán người của tỉnh đã đi vào hoạt động với số điện thoại: 18001282. Đây là đường dây miễn phí cuộc gọi đến nên nhân dân có thể gọi bất cứ lúc nào để cung cấp, chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến phòng, chống mua, bán người. Có thể khẳng định, việc triển khai đường dây nóng phòng, chống mua, bán người trên địa bàn thực sự là giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức cho nhân dân cũng như giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt được thông tin về nạn mua, bán người trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc