Xét xử vụ đại án kinh tế liên quan tới "bầu Kiên": Không hoãn xử dù vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá
Sáng nay 16-4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội.
Hội đồng Xét xử gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân nhân. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, Thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa hình sự. Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến. Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.
Các thẩm phán và chủ tọa phiên tòa |
9 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án bị truy tố về các tội danh “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Cầm đầu vụ án là Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu Kiên” (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB) bị xét xử về cả 4 tội danh trên.
6 bị cáo khác bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB), Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB), Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB), Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB), Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên Hội đồng Quản trị ACB). 2 bị cáo còn lại là Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) cùng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
"Bầu Kiên" (hàng đầu, áo kẻ) và các đồng phạm trước vành móng ngựa. |
Đây là một trong những vụ đại án về kinh tế được dư luận rất quan tâm. An ninh trong phiên tòa và việc bảo vệ trật tự khu vực tòa án được thắt chặt. Các phóng viên theo dõi phiên tòa chỉ được theo dõi qua tivi tại một phòng riêng nhưng điện đã liên tục bị mất khiến việc tác nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu giờ sáng, các bị cáo đã được xe đặc chủng đưa tới tòa. Đúng 8 giờ 5, các bị cáo được đưa vào phòng xét xử. Không còn dáng vẻ bệ vệ của một ông bầu lớn, bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước vành móng ngựa khá gọn ghẽ trong chiếc áo sơ mi sọc đen với mái tóc bạc trắng được cắt ngắn và liên tục ngoái xuống để trao đổi với người thân.
Trong khi đó, các bị cáo đang được tại ngoại như: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang... lại lịch lãm trong trang phục sơ mi trắng, quần tây. Đáng chú ý trong số các bị cáo thì bị cáo Trần Xuân Giá đã vắng mặt ở phiên khai tòa vì lý do sức khỏe không đảm bảo, phải đi khám bệnh. Tại phiên xét xử, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như cũng được đưa tới tòa với tư cách là người có liên quan tới vụ án. Tuy nhiên đại diện một số ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đã vắng mặt nhưng đại diện Viện Kiểm sát vẫn đề nghị phiên tòa diễn ra bình thường và trong quá trình xét xử sẽ tiến hành triệu tập những người đại diện vắng mặt có liên quan.
Trong khi đó, về phía các luật sư tại phiên tòa, một số ý kiến đã đề nghị HĐXX mời thêm một số đại diện những đơn vị có liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính trung ương. Luật sư Vương Tiến Dũng bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá cho biết, bị cáo Giá có đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa vì lý sức khỏe của mình không đảm bảo để dự tòa. Một số luật sư khác cũng đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do ông Giá vắng trong khi ông Giá là một trong những bị cáo tại phiên tòa và có nhiều mối liên quan tới hành vi phạm tội của các bị cáo khác. Đặc biệt nhiều ý kiến của luật sư cho rằng vụ án này có liên quan rất lớn tới vụ án "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như vừa mới xét xử đầu năm nên cần phải hoãn phiên tòa xử vụ "bầu Kiên" vì lý do để chờ kết quả phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nhằm xác định làm rõ thiệt hại của Ngân hàng ACB cũng như xác định tội danh cố ý làm trái quy định cùng trách nhiệm dân sự của ông Kiên và người liên quan.
"Bầu Kiên" tại phiên tòa sáng 16-4 |
Trước đề nghị của các luật sư, bị cáo Kiên đã có ý kiến cho rằng với việc bị truy tố tội trốn thuế và kinh doanh trái phép thì đề nghị HĐXX triệu tập thêm những người đã ký văn bản quy định về thuế. "Bầu Kiên" cũng đề nghị tòa triệu tập thêm đại diện của một số cơ quan có liên như đại diện các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ vì một số công ty của "bầu Kiên" trước đó đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp phép cho hoạt động. Ngoài ra, bị cáo Kiên cũng đề nghị triệu tập một số cá nhân sau khi tòa mời mà không tham dự là ông Trần Mộng Hùng, ông Đỗ Minh Toàn là Chủ tịch Hội đồng Tín dụng ACB vào thời điểm trước khi ông Kiên bị bắt vì đây đều là những nhân chứng quan trọng. Tuy nhiên, trước sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, "bầu Kiên" lại cho rằng không nhất thiết phải hoãn phiên tòa. "Trong 2 năm qua, tôi rất muốn phiên tòa xét xử công khai sớm vì tôi là người bị oan", bị cáo Kiên nói.
Trước các ý kiến đề nghị trên của luật sư, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau 15 phút hội ý, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định không hoãn phiên tòa mà vẫn tiếp tục xét xử bình thường.
Huỳnh Thị Huyền Như cũng được triệu tập đến phiên tòa |
Theo cáo trạng, năm 2007, dù không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng ông Kiên đề nghị thành lập Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB do ông làm Phó Chủ tịch. Tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vị trí trên và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, "bầu Kiên" đã chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB. Từ ngày 15-5-2007 đến 3-8-2012, với việc thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT và Hội đồng thành viên của 6 công ty, "bầu Kiên" đã kinh doanh tài chính và vàng trái phép với tổng số tiền 21.490 tỷ đồng. Năm 2009, Công ty B&B thực hiện lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Chỉ bằng việc ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 25 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp và Quyết định của HĐQT bán 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát mà ACB đang sở hữu để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Bên cạnh đó, Nguyễn Đức Kiên đã cùng với các bị cáo Giá, Kỳ, Cang, Quang, Hải, Tuấn ủy thác cho các nhân viên gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng. Cùng với đó, trong thời gian giữ vai trò quan trọng tại Ngân hàng ACB, ông Kiên cùng các bị cáo trên đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại gần 690 tỷ đồng. Cáo trạng cũng làm rõ tổng số tiền thiệt hại trong vụ án này do 9 bị cáo gây ra là trên 1.695 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kết thúc vào cuối tháng 4-2014.
Ý kiến bạn đọc