Rừng ở Đức Xuân đã thực sự yên!?

16:53, 21/01/2014

HGĐT- Từ những đoạn ghi âm về một số cuộc “làm luật” để được vận chuyển lâm sản ra khỏi địa bàn xã Đức Xuân (Bắc Quang) do người dân cung cấp, chúng tôi lặng lẽ thâm nhập vào địa bàn này để tận mắt thấy sự nhộm nhoạm trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Điều đặc biệt là sự nhộm nhoạm lại diễn ra ngay trước mắt cấp ủy, chính quyền xã Đức Xuân...



Hiện trường “xẻ thịt” một cây trai cổ thụ trên rừng ở thôn Xuân Đường, Đức Xuân...

Từ “điểm nóng” năm 2012.

Đức Xuân là địa bàn hiện có nhiều diện tích rừng với nhiều loại gỗ quý. Bởi vậy, theo một báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bắc Quang, từ tháng 1 đến tháng 6.2012, trên địa bàn xã này xảy ra 29 vụ vi phạm lâm luật. Tổng số lâm sản tịch thu, tạm giữ là 116,81m3 gỗ; 4 cưa xăng. Diện tích phát rừng làm nương là 10.517m2. Tổng số có 20 đối tượng vi phạm, trong đó xử lý hành chính 17 đối tượng, truy cứu 3 đối tượng. Những con số trên nói lên sự nhộm nhoạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa bàn xã Đức Xuân, cùng với những dấu hiệu vi phạm khiến năm 2012, tập thể BTV Đảng ủy và 4 cá nhân trong BTV Đảng ủy xã bị Huyện ủy Bắc Quang kỷ luật bằng hình thức khiển trách gồm: Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lâm nghiệp và Trưởng Công an xã.


Đến chuyện năm 2013.

Được người dân cung cấp băng ghi âm về các cuộc “làm luật” giữa những kẻ vận chuyển lâm sản trái phép với một số cán bộ được cho là công an xã Đức Xuân, diễn ra năm 2013, (băng được chuyển cho cơ quan chức năng của huyện Bắc Quang), được biết mỗi chuyến xe máy đưa gỗ ra khỏi địa bàn Đức Xuân, tùy theo loại và lượng gỗ... mức “phí” từ khoảng 200.000đ - 400.000đ, hoặc có thể cao hơn. Trong những đoạn ghi âm, có sự xuất hiện của một số người, trong đó có 2 cái tên là công an xã Đức Xuân gồm L và C. Không chỉ nhận tiền làm luật, L, C, còn là người thông tin, cảnh giới cho những kẻ vận chuyển lâm sản tránh công an, kiểm lâm địa bàn. Từ thông tin ấy, thông qua hai người ở Đức Xuân là Phàn Chòi Nhàn và Ma Văn Xuể (*) chúng tôi thâm nhập về Đức Xuân trong một ngày cuối tháng 10 với cảnh báo, “cần hết sức thận trọng”.


Trời sẩm tối, chúng tôi mới có mặt tại trung tâm xã Đức Xuân để tránh những ánh mắt nghi ngờ soi mói. Chúng tôi thâm nhập một cơ sở chế biến gỗ, kiêm nhà hàng ăn uống tên là O – T gần đối diện với Trụ sở UBND xã. Tại đây, chúng tôi được chủ cơ sở thật thà, công khai mức giá nhiều món “hàng” lâm sản từ rừng đang có tại nhà... Chủ cơ sở này cho biết, làm được nghề này phải có đủ “thủ tục”. Khi chúng tôi nói muốn mua cặp lục bình gỗ trai loại to, đưa về T.P Hà Giang, chủ cơ sở nói cần loại to nhỏ, loại gì đều có, nhưng là “hàng cấm”, cơ sở chỉ “bao” ra đến Liên Hiệp, còn lại khách phải tự làm “luật”. Nếu để cơ sở “lo” hết, giá sẽ cao hơn. Chủ cơ sở cũng cho biết, ở đây việc vận chuyển gỗ bằng xe máy từ các thôn ra ngoài thường diễn ra khoảng 2 – 3 giờ sáng.



Một xưởng chế biến gỗ “ẩn” đối diện Trụ sở Đảng ủy, UBND xã Đức Xuân đang bào, gọt những chiếc lục bình làm từ gỗ trai trên rừng. Ảnh: D.Tuấn

Tại trung tâm xã, chúng tôi tình cờ gặp một nam nhân viên trường TH&THCS xã Đức Xuân tên là Ma Văn H. H cho biết, bên cạnh làm nhân viên nhà trường, H cũng kiêm vận chuyển... gỗ. Tại xã Đức Xuân và Liên Hiệp không ít người cũng làm “nghề” như H. Nếu chúng tôi cần loại gỗ gì, dài, to bao nhiêu cứ... gọi, H sẽ tìm, chở ra đến tận cây xăng Liên Hiệp, còn lại chúng tôi phải tự lo chở ra ngoài. H cho biết, gỗ được mua từ những người “đốn tỉa” rừng ở các thôn trong xã như Xuân Đường, Nậm Tậu... H cũng cho biết, việc vận chuyển gỗ ra ngoài xã thường diễn ra vào khoảng 2 – 3 giờ sáng và thường diễn ra vào những ngày cuối tuần, khi ấy kiểm lâm, công an địa bàn thường... về nhà. Khi đi gỗ, H thường đưa tiền cho Trưởng Công an hoặc Phó Công an xã hoặc cán bộ lâm nghiệp xã, nếu không đưa là bị... gọi điện.


Đúng như 3 nguồn tin từ H, chủ cơ sở O – T và Nhàn, Xuể, dù là ngày thứ 2 đầu tuần, nhưng chúng tôi đã chứng kiến ngay từ khoảng 1h sáng, ở Đức Xuân vẫn có những chuyến xe máy với khúc gỗ nặng chịch lầm lì tiến ra trung tâm xã. Từ khoảng 1h – 3h30 sáng, chúng tôi đếm được ít nhất 3 chuyến xe chở gỗ qua trung tâm xã.


Sáng hôm sau, theo chân Nhàn, Xuể thâm nhập vào một khu rừng tự nhiên ở Xuân Đường, đây là thôn mà theo như Nhàn và Xuể nói đang là “mỏ gỗ”. Dù đã cải trang, nhưng trên đường vào Xuân Đường, chúng tôi bắt gặp không ít những ánh mắt soi mói sắc như dao cạo của nhiều người dân. Trên những tán rừng, có cả tiếng cưa máy è è. Một cảm giác ớn lạnh, nhưng Nhàn chấn an, khi đến nơi các anh cứ làm đúng lời em dặn. Trên đường đi, chúng tôi chứng kiến không ít những cây trai đã được bào gọt làm cột nhà sàn, được bày trên bờ, dưới xuối mà theo thông tin của xã, đây là số gỗ của một doanh nghiệp đã mua... thanh lý, nhưng theo một quy định mới của tỉnh, doanh nghiệp chưa thể vận chuyển ra khỏi địa bàn.


Sau khi xin phép với “chủ” của những cây trai bị chặt hạ ở trên rừng, mất khoảng 20 phút leo núi đá lên một khu rừng nguyên sinh, đá nhọn cứa rách giày, chúng tôi tiếp cận 4 cây trai cổ thụ cỡ 2 người ôm đã bị hạ và đang bị “xẻ thịt”... vô tư như không ai quản lí. Từ các hiện trường, ước tính có nhiều khối gỗ đã bị lấy đi. Nhàn và Xuể nói một câu chua chát, người chở gỗ muốn kiếm được 10 ngàn thì cần phải kiếm được 30 ngàn anh ạ. Rồi họ chỉ ra ông L, công an xã Đức Xuân là một trong những người chuyên làm “luật”, thu tiền. Trở xuống chân núi, chúng tôi phát hiện một hốc đá cất giấu nhiều gỗ trai xẻ thành khí. Nhàn và Xuể nói, đây chỉ là số nhỏ, với cách khai thác kiểu gặm nhấm, tỉa rừng, gỗ cứ chạy ra phố, vài năm nữa sẽ hết rừng...


Giữ rừng để giữ cán bộ và giữ dân, câu chuyện của năm 2014.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ban đầu Chủ tịch UBND xã Đức Xuân Ma Văn Định cho biết, rừng tự nhiên trên địa bàn rất lớn, lại giáp ranh với nhiều xã của tỉnh Tuyên Quang; cơ chế, chính sách dành cho công tác bảo vệ rừng hiện còn nhiều hạn chế. Để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, xã huy động các lực lượng cùng tham gia. Tết 2013, xã còn hỗ trợ 10 triệu đồng cho tổ an ninh trực Tết. Anh Định cũng khẳng định, Công an xã là lực lượng quan trọng... ngăn chặn phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhưng khi chúng tôi tiết lộ một số thông tin về dấu hiệu công an xã tiếp tay cho lâm tặc và hiện trường phá rừng mới ở thôn Xuân Đường, anh Định mới bộc bạch, toàn xã có 8 thôn thì có đến 6 thôn gặp khó khăn về bảo vệ rừng tự nhiên. Đồng thời, cho biết năm 2012, Trưởng Công an xã Phượng Chòi Lụa bị xử lý hành chính về việc khai thác lâm sản làm nhà mà không có giấy phép, qua đó bị Huyện ủy kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Anh Lụa cũng bị giảm tăng lương 6 tháng. Năm 2013, một kiểm lâm địa bàn cũng đã phải luân chuyển vì “tận dụng” gỗ từ rừng làm... bàn ghế.


Trong buổi làm việc tại xã, khi hỏi về thực trạng quản lý, bảo vệ rừng ở Đức Xuân hiện nay, một cán bộ ở đây nói một câu rất thật... “lực bất tòng tâm”. Quả thực, khi mà cả Trưởng Công an xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn còn “dính” đến lâm sản và bị nhân dân tố giác, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép từ các khu rừng ở Đức Xuân vẫn luồn lọt qua con đường độc đạo từ trung tâm xã ra bên ngoài thì công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây ở tình trạng “lực bất tòng tâm” là phải.


Sau khi được chúng tôi cung cấp thông tin về tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở Đức Xuân, với quan điểm thẳng thắn, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Quang khẳng định quan điểm, cần nêu rõ thực trạng nhằm kiên quyết ngăn chặn việc khai thác lâm sản trái phép ở Đức Xuân. Trước những yếu kém ở xã Đức Xuân, bước đầu huyện đã và đang thực hiện công tác luân chuyển cán bộ nhằm tăng cường, củng cố địa bàn này.

Trở về từ rừng Đức Xuân và từ thực tiễn ở nhiều khu rừng tự nhiên khác đang bị đe dọa trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy “cuộc chiến” giữ rừng ở đây và ở nhiều nơi trong tỉnh sẽ chính là cuộc đấu tranh để giữ cán bộ và giữ dân.


(*) Tên người đã được thay đổi.


Phóng sự điều tra của nhóm PV

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bình yên Xuân mới
(Xuân Giáp Ngọ)- Một mùa xuân mới lại về, mọi người phấn khởi, vui tươi nô nức sắm tết và vui xuân. Để mùa xuân thật trọn vẹn và ý nghĩa là ao ước của bao người. Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) tỉnh nhà, không chỉ riêng dịp này, trong suốt 365 ngày qua là cả sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu để đảm bảo An ninh trật tự (ANTT), giữ gìn sự bình yên cho vùng đất địa đầu của
21/01/2014
Thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”
(Xuân Giáp Ngọ)- Năm Quý Tỵ 2013 khép lại, năm Giáp Ngọ 2014 đến với bao kỳ vọng. Trên trận tuyến bảo vệ an ninh trật tự(ANTT), lực lượng Công an nhân dân(CAND) đón chào xuân mới bằng những quyết tâm mới: Mở đầu là đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân” được phát động từ cuối năm 2013 với mục tiêu,
21/01/2014
Nghịch tử giết mẹ lấy tiền chơi game
HGĐT- Ngày 20.1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng: Nông Văn Công (sinh năm 1997) trú tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường; Giàng Chẩn Quân (sinh năm 1998) trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường cả 2 đều là học sinh lớp 9 trường THCS Ngọc Hà (thành phố Hà Giang); Lù Đức Vinh (sinh năm 1997) trú tại Tổ 9,
20/01/2014
Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách
HGĐT- Nằm ở địa đầu Tổ quốc, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông kết nối với các vùng miền trên cả nước phổ biến là đường bộ, nhu cầu đi lại của người dân bằng xe ô tô khách rất lớn.
20/01/2014