Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù
HGĐT- Thực hiện Nghị định số 80/2011 của Chính phủ, Quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù với mục đích đảm bảo điều kiện, biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Trong thời gian qua, công tác này đã, đang được thực hiện hiệu quả.
Theo sự giới thiệu của cán bộ Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS & HTTP) Công an tỉnh, chúng tôi đến thăm cơ sở gỗ bóc của anh Đỗ Khắc Chí, tại tổ 4, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Được coi là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và bền vững, nhưng ít ai biết, ông chủ của cơ sở này đã có một thời lầm lỗi; sau thời gian cải tạo chấp hành xong án phạt tù, được sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương và sự đùm bọc của cộng đồng xã hội, anh đã phấn đấu vươn lên, thành lập cơ sở kinh doanh thu mua, chế biến gỗ bóc xuất khẩu; hàng năm tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động trong vùng với thu nhập bình quân mỗi người một tháng từ 4-5 triệu đồng; kinh tế gia đình ổn định, góp phần vào công tác XĐGN của địa phương, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.
Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở gỗ bóc của anh Đỗ Khắc Chí (Tổ 4, thị trấn Việt Quang, Bắc Quang) mỗi năm tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động trong vùng.
Anh tâm sự: “Trong cuộc đời con người không ai nói trước được điều gì, điều quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình, không nên mặc cảm với tội lỗi. Trong quá trình cải tạo, tôi đã nhận ra điều đó và tôi đã thành công để hòa nhập với cộng đồng, góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng quê hương, trở thành một công dân có ích cho xã hội”. Cùng chung hoàn cảnh và tâm sự của anh Chí là ông Hoàng Văn Sang, tổ 12, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Với bản án 10 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, ông cứ ngỡ cuộc đời thế là hết. Được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ông được đặc xá trở về địa phương, cùng với sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền địa phương; ông đã mở xưởng thu mua, sấy, ép và bán lá cây giang. Xưởng của ông đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thời vụ có thu nhập từ 4-5 triệu đồng cho 1 người/tháng và gia đình ông có thu nhập từ 30-40 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều bà con lối xóm,tranh thủ lúc nông nhàn đã đến làm công cho ông để kiếm thêm thu nhập. Được sự ủng hộ của mọi người, thời gian tới ông sẽ mở rộng thêm xưởng để tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho bà con.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, trú tại Tổ 7, Phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang cũng là người tiêu biểu được chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2004, sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, anh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tuấn Yến chuyên xây dựng các công trình dân dụng, thu mua, chế biến đồ gỗ gia dụng, dịch vụ phục vụ đám cưới... tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương. Ngoài ra, anh còn chủ động phối hợp với cơ quan Công an trong công tác tiếp nhận, tạo công ăn việc làm đối với người cùng hoàn cảnh. Trên đây chỉ là một số mô hình kinh tế điển hình trong hàng loạt những người tiến bộ tiêu biểu đã một thời lầm lỗi, với ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời, vượt qua mặc cảm, họ đã vươn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Là đơn vị trực tiếp theo dõi, quản lý, thực hiện công tác này, Phòng Cảnh sát THAHS & HTTP Công an tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý chỉ đạo công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thi hành biện pháp tư pháp, thi hành quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục, công tác tạm giam, tạm giữ, công tác cải tạo can phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật, công tác tái hòa nhập cộng đồng, góp phần tích cực vào công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác thi hành án hình sự, công tác tạm giữ và công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Thượng tá Trần Công Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát THAHS & HTTP Công an tỉnh cho biết: “Đơn vị đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức rà soát trên địa bàn toàn tỉnh những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ vươn lên ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Qua rà soát, hầu hết những người này đã có cuộc sống ổn định, chấp hành tốt chủ chương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho những can phạm nhân trước khi được trở về với cộng đồng xã hội”.
Có thể nói, Nghị định 80/2001 của Chính phủ đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn, giúp những người chấp hành xong án phạt tù được trang bị những kỹ năng cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ vững tin xây dựng một cuộc sống ổn định và ý nghĩa.
Ý kiến bạn đọc