Xét xử phúc thẩm vụ án về việc “Tranh chấp thành viên công ty với công ty về yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông” tại Công ty Cổ phần Xi - măng Hà Giang
HGĐT- Như Báo Hà Giang đưa tin, ngày 15.4.2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang tiến hành xét sử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2013/TLST-KDTM ngày 02.01.2013 về “Tranh chấp giữa cổ đông với công ty cổ phần về việc yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/QĐ-ST ngày 26.3.2013 giữa các đương sự.
Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đồng Tâm, số 1614, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Chu Văn Quyền – Luật sư của Công ty Luật hợp danh Hùng Vương, đoàn Luật sư Phú Thọ. Bị đơn là Công ty Cổ phần xi măng - Hà Giang, tổ 8, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang; người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Nguyễn Quốc Lập – Chủ tịch HĐQT.
Theo bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang, ngày 10.12.2012, Công ty Cổ phần Đồng Tâm có đơn khởi kiện Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang một số nội dung về ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 3, nhiệm kỳ 2012 – 2016 là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật, vì Công ty Đồng Tâm góp vốn tại Công ty Cổ phần xi-măng Hà Giang 63,37% cổ phần trên thực tế, còn theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 58,37% cổ phần. ĐHĐCĐ lần thứ 3 ngày 22.10.2012 đã tự ý hạ thấp tỷ lệ vốn góp của Công ty Đồng Tâm từ 63,37% cổ phần xuống còn 6,104%. Với những lý do như vậy, Công ty Đồng Tâm đề nghị Tòa án xem xét hủy quyết định của ĐHĐCĐ ngày 22.10.2012 của Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang.
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ được thẩm tra và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phân tích và nhận định một số nội dung trình tự thủ tục triệu tập họp và trình tự thủ tục ra Quyết định cũng như nội dung Quyết định của cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 22.10.2012 của Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang là vi phạm pháp luật và Điều lệ Công ty. Áp dụng một số Điều của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần xi- măng Hà Giang... Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đồng Tâm và hủy toàn bộ Nghị quyết (Quyết định) của ĐHĐCĐ Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang ngày 22.10.2012.
Ngay sau đó, ngày 22.4.2013, bị đơn là Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm số 01/2013/KDTM – ST ngày 15.4.2013 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm ra phán quyết công bằng để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Công ty và toàn thể cán bộ CNV đang làm việc tại Công ty xi - măng Hà Giang.
Ngày 13.9.2013, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 14/2013/KDTM-PT, ngày 21.5.2013, do có kháng cáo của bị đơn đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2013/KDTM-ST ngày 15.4.2013 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1987/2013/QĐPT ngày 20.8.2013 giữa các đương sự.
Sau khi phân tích tính chất, nội dung vụ án, ý kiến các bên đương sự và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự, thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20.10.2012 của Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang vì có sự vi phạm với các lý do đã nêu trong bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm - Tòa án Nhân dân tối cao thấy các ý kiến khác của bị đơn, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là không có căn cứ chấp nhận. ĐHĐCĐ của Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang ngày 22.10.2012 đã vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành ĐHĐCĐ và nội dung nghị quyết của đại hội là trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ pháp luật. Do đó, cần bác toàn bộ kháng cáo của Công ty Cổ phần xi - măng Hà Giang, giữ nguyên Quyết định bản án sơ thẩm, phù hợp với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tại phiên tòa.
Ý kiến bạn đọc