Nhật ký: Tháng cao điểm an toàn giao thông
Chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” (!)
HGĐT- Trước tình hình gia tăng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cả nước, ngày 23.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12/CT-TT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trong hoạt động vận tải trên địa bàn toàn quốc. Thực tế tại Hà Giang, trong những ngày đầu ra quân triển khai thực hiện tháng cao điểm về đảm bảo ATGT như thế nào? Câu trả lời ban đầu là: Bệnh đã... nhờn thuốc, hay chỉ là chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”.
Ngay sau sinh hoạt nghiệp vụ ngày 4.7.2013 của Báo Hà Giang, chúng tôi đã một vòng “mục sở thị” trên Quốc lộ 2. Hiệu ứng Chiến dịch ra quân của các cơ quan chức năng ban đầu thật khả quan. Nhẹ lòng! Đó là cảm nhận suốt chiều dài đoạn đường trên 80 km từ Thành phố Hà Giang đến Cầu Trì (điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Trên dọc tuyến đường, từ xe có tải trọng lớn đến xe gắn máy, thậm chí cả người đi xe đạp... đều tham gia giao thông rất, rất cẩn trọng. Trộm nghĩ, nếu tất cả những ngày trong năm mọi người đều có ý thức, thận trọng, nhường nhịn nhau, đi đúng luồng đường, đúng tốc độ cho phép, không chạy nhanh, vượt ẩu, khi tham gia giao thông thế này thì... lấy đâu ra... tai nạn?. Nếu tất cả lái xe, người điều khiển phương tiện đều chấp hành đúng quy định thì làm gì có chuyện cầu xiêu, đường nát.
Xe “siêu” tải trọng vẫn chạy trên Quốc lộ 2 và tỉnh lộ 183 ngay trong những ngày các cơ quan chức năng ra quân chấn chỉnh ATGT.
Để đánh giá hiệu quả thật chất hơn trong đợt ra quân chiến dịch tuyên truyền và đợt cao điểm xử lý vi phạm ATGT, tôi chọn liền 2 ngày 5-6.7 để... nhìn nhận vấn đề. Hàng loạt xe chở hàng quá tải trọng cho phép đã phải dừng lại trên dọc tuyến Quốc lộ 2, đoạn từ dưới Ngã ba Pác Há (Bắc Quang) đến khu vực xã Hùng An và đã có rất nhiều xe buộc phải đỗ ngay bên đường để tháo giỡ hàng hoá quá tải. Lý do tháo gỡ hàng quá tải trọng là chủ hàng sợ bị lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng. Đó là trên tuyến Quốc lộ 2, còn trên đường tỉnh lộ 183, xe quá tải trọng vẫn lưu thông chạy từ thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chở đá, quặng; xe công-ten-nơ đi qua xã Đồng Yên ra Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Tuy xuôi qua Cầu Trì vào đúng các ngày điểm lực lượng “đặt cân, cân tải trọng” thì... vẫn hoạt động bình thường như không có gì xảy ra!
Trong các ngày 8-9.7.2013, chúng tôi có buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan có nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh, được biết: Sự phối kết hợp giữa các lực lượng trong đợt ra quân là khá hiệu quả, trong đó mỗi cơ quan quản lý và xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đã có hàng trăm phương tiện chở quá tải phải hạ tải, phải nộp phạt theo quy định; tình trạng xe chở quá tải trọng, tình trạng phóng nhanh, chạy bừa, vượt ẩu, đã cơ bản được ngăn chặn. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng kiến nghị: Cần tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp của các lực lượng để xử lý, ngăn ngừa tai nạn, lập lại trật tự an toàn trong thời gian tiếp theo.
Sau buổi làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi lại tiếp tục một vòng để xác nhận hiệu quả của đợt ra quân để rồi... thất vọng?! Các loại xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên dọc tuyến Quốc lộ 2, suốt chiều dài từ km 111, đoạn Hà Giang đi Hà Nội qua Cầu Trì. Còn trên tuyến đường tỉnh lộ 183, tình trạng xe siêu trường, siêu trọng vẫn nối đuôi nhau... nghiến nát cầu đường. Xin nói rõ thêm: Đoạn Tỉnh lộ 183 đoạn Vĩnh Tuy đi Lục Yên (Yên Bái) dài trên 30 km có rất nhiều cây cầu tải trọng không vượt quá thiết kế 13 tấn, trong khi đó các đoàn xe mang BKS 15, 16; Cao Sơn, Việt An... chở đá và xe công-ten-nơ thường có tải trọng hàng trăm tấn vẫn qua lại mỗi ngày. Nhiều người dân bức xúc đặt câu hỏi: Các cơ quan chức năng ra quân như trên để làm gì, được bao lâu? Bởi hiện nay, tình trạng trên ngày càng tái diễn nghiêm trọng hơn.
Với tôi, chiến dịch ra quân vừa qua chẳng khác nào: Chuyện “bắt cóc-bỏ đĩa”... ?. Mong muốn các ngành chức năng cần sớm có giải pháp thiết thực hơn.
Ý kiến bạn đọc