Hiệu quả từ mô hình tổ ANTQ ở xã biên giới Bạch Đích

08:30, 19/06/2013

HGĐT- Trước kia, chưa có Tổ an ninh tự quản (ANTQ) thì một năm xảy ra vài ba vụ mất trộm, đến nay thì 1 con gà thả rông cũng không lo bị mất”. Đó là nhận định của đồng chí Trần Văn Khón, Bí thư Chi bộ thôn biên giới Đông Sam, xã Bạch Đích (Yên Minh). Nhờ có mô hình Tổ ANTQ mà tình hình ANTT ở các thôn biên giới của xã Bạch Đích luôn ổn định.



    Thôn Đông Sam (xã Bạch Đích, Yên Minh) có 60% nhà kiên cố hoá, nền xi-măng.


Thôn Đông Sam có đường biên giới dài 2 km giáp với nước bạn Trung Quốc, được đánh dấu bằng cột Mốc số 9. Toàn thôn có 44 hộ dân đều là đồng bào Nùng. Nhờ có mô hình tổ ANTQ mà tình hình ANTT trong thôn luôn ổn định, bà con an tâm làm ăn, không lo nạn trộm cắp. Tổ ANTQ là một hình thức do người dân ở thôn biên giới họp lại, bầu ra một nhóm gồm 9 thành viên do Trưởng thôn làm tổ trưởng. Hàng đêm, nhóm 3 người sẽ đi tuần quanh thôn từ 7giờ tối đến hết đêm nhằm phát hiện các vụ trộm cắp gia súc, người lạ mặt vào thôn và đề phòng đối tượng bắt cóc trẻ em... Để duy trì hoạt động của tổ an ninh này, mỗi năm các hộ gia đình trong thôn phải đóng góp từ 10-15kg thóc trả công cho thành viên tổ an ninh đi tuần, tiền đèn pin, nước uống...; tính ra mỗi người trong tổ được hỗ trợ khoảng 420-450 nghìn đồng/năm. Để tăng cường tính hiệu quả của mô hình Tổ ANTQ, các gia đình của thôn còn được chia thành 5 nhóm hộ gia đình tự quản, mỗi nhóm có 8-9 gia đình, các có trách nhiệm khi thấy người lạ mặt vào thôn là đến báo cáo cho Trưởng thôn biết để kiểm tra giấy tờ. Đôi khi trong nhóm có gia đình xảy ra cãi cọ, các hộ khác cũng đến báo cho Trưởng thôn, công an viên đến giải quyết.

 

Tình hình an ninh ổn định, người dân yên tâm làm ăn phát triển kinh tế. Toàn thôn đã có 60% nhà kiên cố hóa, nền xi măng; hầu hết các hộ đều đưa chuồng trại ra xa nhà. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Trần Văn Khón thì “Cả thôn chỉ có 8ha ruộng, trong đó có 4ha ruộng 2 vụ thì hơn 2ha thiếu nước nên trồng lúa chỉ đủ ăn. Bà con giờ chủ yếu trồng cỏ nuôi trâu, bò hàng hóa phát triển kinh tế gia đình. Người dân ở đây luôn mong muốn sớm được hệ thống thủy lợi hoàn thiện, đảm bảo nước tưới tiêu để phát triển sản xuất. Ngoài ra, được tiếp nhận thêm diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ để tăng khả năng phòng chống lũ quét, giữ độ ẩm cho đất...”. Do thiếu đất sản xuất, nên tình trạng người dân trong thôn sang Trung Quốc lao động tự do vẫn còn tái diễn. Tại thời điểm hiện nay, thôn có gần 20 người sang Trung Quốc lao động, một số người đi khoảng 2-3 tháng mới về, một số khác đi vào lúc nông nhàn. Mặc dù chính quyền xã cấp giấy thông hành miễn phí cho người dân nhưng vẫn có người vượt biên với lý do đi làm trong ngày, nếu làm giấy thông hành thì mất thời gian.

 

Nói về tình hình ANTT ở các thôn biên giới, Chủ tịch xã Bạch Đích, Nguyễn Đình Bình nhận định: “Xã có 6 thôn biên giới với 7,315 km đường biên giáp với Hường Giàng Vàng và Ma Li Pho (Vân Nam, Trung Quốc) đi qua 3 cột mốc chính, 2 cột mốc phụ. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được duy trì thường xuyên bằng các mô hình như: Tổ ANTQ ; Đội thanh niên cơ động; 137 hộ gia đình tự ký cam kết bảo vệ đường biên, cột mốc an toàn, đảm bảo tình hữu nghị với nước bạn. Xã hỗ trợ mỗi thôn 200 nghìn đồng/tháng để duy trì các hoạt động này nhưng số tiền trên còn quá ít”. Bên cạnh đó, Ban CHQS xã phối hợp với Ban Công an, Trạm kiểm soát Biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát đường biên, cột mốc. “An ninh ổn định nhưng đời sống của người dân ở các thôn biên giới luôn chỉ ở mức thu nhập trung bình khá vì kinh tế chưa có đột phá, thời tiết quá khắc nghiệt, đất đai không tốt. Xã có nhiều chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn theo chương trình xóa nhà tạm; trợ giá lúa giống, ngô giống, giá mua máy cày; cho vay vốn kinh doanh sản xuất theo chương trình 30a... để bà con phát triển sản xuất. Dù vậy, hiện nay chỉ có nghề trồng rừng và chăn nuôi gia súc là mang lại nguồn lợi kinh tế. Mong muốn của nhân dân là tỉnh tiếp tục cho vay vốn phát triển đàn trâu, ngựa; đầu tư xây dựng trụ sở thôn và đường giao thông vì hầu hết đường từ trung tâm xã đến các thôn vẫn là đường đất, chưa thôn biên giới nào có trụ sở...”. Còn vấn đề người dân sang Trung Quốc lao động tự do, làm các công việc như: hái chè, phụ vữa... xã vẫn đang tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển kinh tế ở địa phương; tạo điều kiện cho người dân xuất khẩu lao động sang Malaysia . Quan trọng nhất là động viên các gia đình cho con em đi học để có kiến thức phát triển kinh tế hiệu quả ngay tại quê hương.

 

Hiệu quả từ mô hình Tổ ANTQ, ý thức trách nhiệm của bà con về bảo vệ đường biên, cột mốc được nâng cao. Người dân đi làm nương, lấy củi gần cột mốc cũng thường có trách nhiệm kiểm tra cột mốc có bị di chuyển, hư hại hoặc phát hiện người sang xâm canh, xâm cư bất hợp pháp để báo cho Đồn Biên phòng biết để kịp thời xử lý. Nhờ vậy, sau khi phân giới cắm mốc trên địa bàn các thôn biên giới của xã tình hình ANTT luôn được đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo hiểm xe máy giá chỉ... 20.000 đồng
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe máy đang được bán tràn lan với giá chỉ 20.000 đồng. Một mức giá thấp đến không ngờ, chỉ bằng 1/3-1/4 so với trước kia.
30/05/2013
Cảnh giác với tình trạng móc cốp xe máy
HGĐT- Chiều 24.5, bảo vệ Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang bắt quả tang đối tượng Ma Xuân Đạt, sinh 1999, học sinh lớp 8, trường THCS Lê Lợi (TPHG) có hành vi móc cốp xe máy của cán bộ, giáo viên nhà trường.
28/05/2013
Triệt phá một ổ nhóm sử dụng ma túy “đá” tại nhà riêng
HGĐT- Hồi 19 giờ 30 ngày 23.5, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố) phát hiện tại nhà riêng của Đinh Phú Bắc (sinh năm 1981) ở Tổ 15, phường Trần Phú, (thành phố Hà Giang) một nhóm đối tượng đang có biểu hiện sử dụng ma túy.
24/05/2013
Rùng mình, kiểu đánh bắt cá bằng thuốc…trừ sâu
HGĐT- Ngày 22.5, Công an xã Tân Thành (Bắc Quang) bắt quả tang 3 đối tượng dùng số lượng lớn thuốc trừ sâu để đánh bắt cá suối gồm: Trương Văn Dậu, sinh 1988; Lý Văn Thiệp, sinh 1994; Phàn Văn Tái, sinh 1994.
24/05/2013