Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua, bán người trên khu vực biên giới
HGĐT - Tuyến biên giới do BĐBP tỉnh Hà Giang quản lý trên 277 km đường biên,có một cặp cửa khẩu chính đường bộ (Thanh Thuỷ - Thiên Bảo) và 4 cửa khẩu phụ, ngoài ra địa bàn các Đồn biên phòng đều có các đường tiểu ngạch sang tỉnh bạn và qua bên kia biên giới.
Với 33 xã, 1 thị trấn biên giới, 20 thành phần dân tộc cùng chung sống, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư, tỷ lệ đói nghèo còn cao; là vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Hầu hết đồng bào sinh sống ở biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ hai bên biên giới từ lâu đời. Biên giới Việt - Trung là biên giới mở, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác quản ly, bảo vệ biên giới của ta còn nhiều thiếu thốn, lực lượng Biên phòng mỏng, quân số hạn chế trong khi đó các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người qua biên giới nói riêng luôn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.
Những năm qua phía Trung Quốc tăng cường đầu tư xây dựng các loại hình dịch vụ, du lịch, mua bán, thăm thân, thu hút khách du lịch, do đó, kéo theo các loại tệ nạn xã hội: Cờ bạc, mại dâm, ma tuý.Ngoài ra, tình trạng phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng trái phép mỗi năm trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang luôn có chiều hướng gia tăng. Đó chính là yếu tố, một phần nguyên nhân hoạt động tội phạm hai bên biên giới nói chung và tội phạm mua bán người qua biên giới nói riêng diễn biến rất phức tạp.
Trong các vụ án, chuyên án có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người qua biên giới cho thấy đối tượng hoạt động phạm tội rất đa dạng, phức tạp. Chủ yếu là phụ nữ chiếm 70% - 75% trong tổng số đối tượng phạm tội mà BĐBP phát hiện được, phần lớn độ tuổi từ 25 đến 45, chủ mưu cầm đầu thường là những đối tượng sang Trung Quốc làm ăn, buôn bán, làm gái mại dâm qua các mối quan hệ tìm, móc nối với những tên dẫn dắt, môi giới ở Trung Quốc và các đối tượng thoái hoá biến chất trong nước tạo thành đường dây, tổ chức lôi kéo PNTE bán ra nước ngoài. Đối tượng là người nước ngoài thường là các chủ nhà hàng khách sạn, nhân viên nhà hàng. Chúng móc nối với nhau giữa các đối tượng bên trong và bên ngoài biên giới có sự liên kết với các đối tượng ở Trung Quốc tạo thành đường dây khép kín, chặt chẽ để hoạt động. Đây là những đối tượng đặc trưng phổ biến mà BĐBP Hà Giang điều tra phát hiện trong hoạt động đấu tranh tội phạm mua bán người qua biên giới.
Đểđấu tranh, ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, BĐBP tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tấn công trấn áp tội phạm, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức dụ dỗ, lừa gạt, bắt cóc phụ nữ, chiếm đoạt trẻ em đưa sang Trung Quốc. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao, tổ chức thực hiện tốt các quy chế phối hợp, nắm chắc tình hình, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động làm tốt công tác đối ngoại, kịp thời phối hợp điều tra các vụ án, giải cứu nạn nhân, truy bắt tội phạm, giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng vùng biên giớiổn định và phát triển.
Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người: Từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng BĐBP tỉnh phát hiện và xử lý 108 vụ/111 đối tượng. Khởi tố 20 vụ/40 đối tượng; bàn giao cho các cơ quan chức năng 60 vụ/40 đối tượng; đang điều tra 28 vụ/31 đối tượng.Tang vật thu: 15 xe máy, 10.069 NDT, 13.724.000 VNĐ, 20 điện thoại di động, 2 lọ thủy tinh đựng thuốc mê và nhiều tang vật gây án khác. BĐBP đã tiến hành giải cứu 91 phụ nữ, 19 trẻ em bị lừa bán, bắt cóc; tiếp nhận 164 phụ nữ, 31 trẻ em bị lừa bán, bắt cóc do Công an Trung Quốc trao trả; tiến hành trao trả cho Công an Trung Quốc 5 đối tượng phạm tội mua bán người. Đồng thời, tiến hành xác lập và đấu tranh 26 chuyên án mua bán người, mua bán trẻ em; bắt 73 đối tượng xử lý trước pháp luật.
Từ thực trạng trên, để công tác phòng chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc đấu tranh của lực lượng nòng cốt Công an, Bộ đội Biên phòng, cũng rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các tổ chức xã hội và ý thức cảnh giác của mỗi người dân.
HUỲNH VĂN SÁU
Ý kiến bạn đọc