Hoàn tất điều tra vụ “liên minh” giáo viên - công an vận chuyển gỗ lậu
HGĐT- Hành vi của hai cán bộ ngành công an Nguyễn Trung Thực, Vũ Mạnh Thế sai quy trình lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4 điều 34 Nghị định 99/2009/NĐ-CP, vi phạm điều 20 Nghị định 99/2009/NĐ-CP. Còn cô giáo Trần Thị Kim Anh điều khiển xe ô tô chở 5 khúc gỗ nghiến, cũng là đồng phạm... Đó là kết luận của cơ quan chức năng đối với vụ vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn xã Phú Linh (Vị Xuyên) ngày 20.3 vừa qua.
Sau nhiều ngày đấu tranh, khai thác, vụ “liên minh” vận chuyển gỗ lậu giữa cô giáo trường mầm non xã Phú Linh Trần Thị Kim Anh và hai cán bộ công an tỉnh Nguyễn Trung Thực, Vũ Mạnh Thế đã đến hồi kết. Vụ việc trên được các cán bộ kiểm lâm nhận định phức tạp, hành trình đưa gỗ ra khỏi địa bàn xã Phú Linh được nguỵ trang rất khéo, nằm trong “vỏ bọc” rất hoàn hảo. Trong quá trình điều tra, các đối tượng có đưa ra nhiều lý do biện minh cho hành động của mình, nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã chỉ ra cái vô lý để họ phải tâm phục, khẩu phục.
Phương tiện và tang vật vụ vận chuyển gỗ lậu.
Vụ vận chuyển gỗ lậu được thực hiện bởi những người thuộc tầng lớp trí thức, có chuyên môn, nghiệp vụ nên nó được tính toán rất kỹ từng “đường đi, nước bước”. Khi lực lượng chức năng xã Phú Linh tiến hành lập biên bản, kiểm tra 2 xe ô tô vận chuyển lâm sản, điều khiến họ ngỡ ngàng không phải ở số tang vật được bọc cẩn thận trong túi nilon màu đen mà chính là hai sắc phục ngành công an. Chiếc xe ô tô BKS 23T-1038 ngoài chở 5 khúc gỗ nghiến, nó còn “cõng” thêm ông Nguyễn Trung Thực (lái xe) và Vũ Mạnh Thế (người ngồi cùng xe), cả hai công tác tại đội 5, phòng PC46 (Công an tỉnh) - đơn vị đặc trách nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài và nghe họ nói, nhiều người sẽ tin ông Nguyễn Trung Thực, Vũ Mạnh Thế đang thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ mặc nguyên quân phục đi “ăn hàng”, khi bị tạm giữ họ còn trình ra biên bản được lập sẵn với nội dung: Hồi 9h40 ngày 20.3, tổ công tác đội 5, phòng PC46 nhận được tin báo một số đối tượng tập kết lâm sản tại thôn Mường Bắc, xã Phú Linh. Xét thấy nguồn tin có cơ sở nên đã lập kế hoạch kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế tại khu đất hoang thuộc thôn Mường Bắc, phát hiện 10 khúc gỗ tròn dạng thớt, vô chủ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản sự việc, tạm giữ số lâm sản để điều tra, làm rõ. Biên bản được lập có sự chứng kiến của bà Trần Kim Anh, nhưng ở phần ký tên người làm chứng lại là Ngô Kim Anh, trong khi tên thật của nhân chứng là Trần Thị Kim Anh!
Một động thái nữa cũng thể hiện bản lĩnh của người có nghề, đó là chiếc xe ô tô do ông Nguyễn Trung Thực điều khiển chở gỗ có những 3 biển số và 1 đèn phát tín hiệu ưu tiên. Những lời “trần tình” của ông Thực với cơ quan chức năng đã chứng tỏ, đây là một cán bộ rất tuỳ tiện trong công việc và sử dụng tài sản công. Lý giải về chiếc biển số 23T-1038 lắp chồng khít bên ngoài biển số 29A-630.07 và biển số 23T-1024 ở trong xe, ông Thực cho biết: Cả hai biển 23T-1038, 23T-1024 là của phòng PC46 được ông mang về nhà riêng cất giữ. Đến ngày 20.3, khi mượn được xe ô tô của ông Quách Nguyên Quyền, trú tại phường Minh Khai (thành phố Hà Giang), ông Thực đã kẹp biển số 23T-1038 chồng khít lên biển số 29A-630.07, đồng thời mang theo cả biển số 23T-1024. Còn chiếc đèn phát tín hiệu, ông Thực nhặt ở gầm cầu thang tầng 1 của đơn vị rồi bỏ lên xe để vào Phú Linh. Khai với cơ quan chức năng là như vậy, nhưng thực chất việc làm của hai cán bộ công an vào ngày 20.3, lãnh đạo đơn vị không nắm được và không giao nhiệm vụ.
Còn cô giáo Trần Thị Kim Anh, những ngày đầu xảy ra sự việc liên tục kêu oan và cho rằng mình “làm ơn, mắc oán”. Khi tiếp xúc với báo giới, cô Kim Anh cho biết, sáng 20.3, do con bị sốt cao nên đã gửi lớp cho đồng nghiệp để về. Thay vì đi theo đường cũ, cô đã đổi lộ trình nhằm trốn ban giám hiệu nhà trường. Đang chạy xe trên lộ trình mới, đến địa phận thôn Mường Bắc, thấy hai anh công an đứng cùng đống gỗ bên đường. Hai anh nhờ cô giáo làm chứng cho việc phát hiện lâm sản vô chủ gồm cả quá trình nhận tin báo của nhân dân, tổ chức truy tìm và phát hiện gỗ vô chủ. Sau khi ký vào mục người làm chứng, cô giáo Kim Anh nhờ ông Vũ Mạnh Thế ghi giúp họ tên. Nhưng không hiểu sao lúc đấy cô lại nói họ là Ngô Kim Anh chứ không phải Trần Thị Kim Anh! Trả lời thắc mắc về sự khác nhau giữa chữ ký sử dụng hàng ngày và chữ ký trên biên bản sự việc, cô giáo cho rằng: “Cả hai chữ ký đều là của tôi. Tôi có phải lãnh đạo hay chủ tài khoản đâu mà phải ký cho giống”.
Từ những chứng cứ thu thập được và qua đấu tranh khai thác, cơ quan chức năng khẳng định: Hành vi lập biên bản sự việc của ông Thực và ông Thế sai quy trình lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4 điều 34 Nghị định 99/2009/NĐ-CP. Cả hai ông nói đi giải quyết công việc nhưng không được lãnh đạo đơn vị phân công, giao nhiệm vụ, đã vi phạm điều 20 Nghị định 99/2009/NĐ-CP. Hành vi của hai cán bộ công an Nguyễn Trung Thực, Vũ Mạnh Thế thực chất là vận chuyển lâm sản trái phép. Cô giáo Trần Thị Kim Anh điều khiển xe ô tô chở 5 khúc gỗ nghiến, cũng là đồng phạm trong vụ vận chuyển lâm sản trái phép cùng hai cán bộ công an.
Với tang chứng, vật chứng cụ thể, xác đáng, cơ quan chức năng đã chỉ ra sai phạm của ông Vũ Mạnh Thế, Nguyễn Trung Thực và bà Trần Thị Kim Anh - đây là vết nhơ sẽ đi theo suốt cuộc đời còn lại của họ. Căn cứ những quy định của pháp luật và thực tế vụ việc, hành vi của họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng đối với cô giáo Trần Thị Kim Anh và hai cán bộ công an Nguyễn Trung Thực, Vũ Mạnh Thế, cái mất lớn nhất mà không bao giờ có thể mua lại được bằng tiền đó là... niềm tin. Sau sự việc này, cô giáo Trần Thị Kim Anh có đủ bản lĩnh, tự tin đứng trên bục giảng? Cho dù có chai lỳ cảm xúc thì liệu người dân Phú Linh có yên tâm giao con em mình cho cô rèn nét chữ, luyện nết người. Còn hai cán bộ công an - lực lượng luôn được dân tin, dân mến, liệu có giữ được sự tin yêu khi tay họ đã “nhúng chàm”!
Ý kiến bạn đọc