Cảnh báo hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức xin việc làm

07:45, 11/04/2013

HGĐT- Thời gian gần đây, Cơ quan Công an liên tiếp khám phá nhiều vụ án và bắt giữ các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những đối tượng này hầu hết là cán bộ, công chức, viên chức. Với “vỏ bọc” là cán bộ nhà nước, các đối tượng “khoe môi” quen biết nhiều, có thể xin được việc làm. Chúng tìm đến những gia đình, những người đang có nhu cầu xin việc làm, đi học hoặc chuyển vùng công tác,... với “tài” khoác lác của mình, các bị hại sẵn sàng đưa tiền, tài sản với số lượng lớn và hồ sơ để nhờ “giải quyết” công việc.


Những cán bộ biến chất.

Tháng 10.2012, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lýkinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1971, giáo viên trường Tiểu học Phương Độ) và Phạm Thị Tân (sinh năm 1976, tạm trú tại tổ 21, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với “khả năng” quen biết nhiều người, Hà và Tân đã nhận tiền và hồ sơ xin việc của một số người với tổng số tiền là 250 triệu đồng. Số tiền và hồ sơ của các bị hại, Hà đưa cho Tân để liên hệ công việc, mỗi trường hợp xin được việc, Hà được hưởng 10% tổng số tiền đã nhận của từng bị hại. Ngoài số tiền 250 triệu đồng trên, Hà còn nhận 240 triệu đồng, Tân nhận thêm là 98 triệu đồng của một số người khác. Với lời hứa sẽ xin được việc làm, nhưng thực tế Hà và Tân chỉ nhận tiền rồi tiêu sài vào mục đích cá nhân.

 


     Công an thành phố Hà Giang lấy lời khai đối tượng Trần Bích Liên, đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một thời gian dài. 
                                                                 Ảnh: KỲ LONG


Sự việc trên còn đang được điều tra thì ngày 26.2.2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh) đã tiến hành bắt tạm giam đối tượng Đỗ Thị Thùy Linh (32 tuổi, trú tại tổ 11, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Từng là giáo viên, rồi là cán bộ Ban Tuyên giáo của một huyện, lúc bị bắt, Linh đang công tác tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Với phương thức xin việc làm, Linh đã nhận hồ sơ và tiền của một số người để tiêu sài phục vụ mục đích cá nhân với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Mới đây nhất, ngày 2.4, Công an thành phố Hà Giang tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Bích Liên (36 tuổi, là cán bộ Tỉnh đoàn) trú tại tổ 12, phường Trần Phú (TPHG) về hành vi tương tự. Lợi dụng vai trò là cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết một số người dân có nhu cầu xin việc làm, Liên đã đứng ra nhận hồ sơ và tiền để xin việc nhưng thực tếđã dùng tiền tiêu sài, ăn chơi hoang phí. Tùy theo vào nhu cầu vị trí công tác hoặc bằng cấp, Liên đã thu của mỗi bị hại từ 35 đến 70 triệu đồng, có những trường hợp thu cả trăm triệu đồng.

 

Lời cảnh báo cho mọi người.

Đó là một số vụ án mà cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ các đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vụ việc được phát hiện khi bị hại đã biết mình bị lừa, không có khả năng thu hồi được tài sản mới đến cơ quan Công an trình báo. Đây là bài học lớn cho những người muốn “đi đường tắt” để được việc mà không hề mảy may suy nghĩ, nhẹ dạ, cả tin. Bởi những đối tượng này không có khả năng để thực hiện những việc đó, khi bị phát hiện thì cũng là lúc chúng đã gây ra hàng loạt những vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt được lên đến hàng tỷ đồng (có những trường hợp chiếm đoạt được vài tỷ, cho đến vài chục tỷ đồng). Khi không còn khả năng chi trả, dẫn đến vỡ nợ, từ bỏ công việc, lẩn trốn các con nợ hoặc cơ quan chức năng. Thiếu tá Mạc Văn Cường, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an thành phố Hà Giang) cho biết: “Khó khăn trong công tác điều tra, xử lý những vụ án này xuất phát từ chính những bị hại, khi đưa tiền hoặc tài sản cho đối tượng chỉ ghi giấy vay tiền hoặc cam kết vay tiền, ngoài ra không có thỏa thuận nội dung công việc, chỉ có tính chất vay mượn dân sự, bên cạnh đó, vì lý do tế nhị, bị hại lại không hợp tác với cơ quan Công an, các đối tượng lại gian manh, xảo quyệt... gây nhiều trở ngại cho công tác điều tra, xử lý”.

 

Trên thực tế, vẫn còn những vụ việc và những kẻ lừa đảo chưa bị phát hiện điều tra, xử lý. Điều đáng nói là các đối tượng đều là cán bộ đang công tác, lợi dụng vị trí và địa vị của mình để thực hiện hành vi lừa đảo, sử dụng số tiền đã chiếm đoạt được để ăn chơi, phục vụ nhu cầu cá nhân. Khi biết mình đã bị lộ liền từ bỏ cơ quan, gia đình và người thân để “cao chạy xa bay” với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng. Người viết đã từng chứng kiến một trong những đối tượng trên khi chưa bị bắt lúc nhận tiền và hồ sơ xin việc, chờ bị hại lên xe đi khỏi tầm mắt, thản nhiên vứt luôn hồ sơ của người đó vào thùng rác. Lần khác, không rõ “nhờ” việc bao nhiêu, nhưng khi bị hại đưa thêm tiền, người được nhờ vui vẻ tuyên bố: “...Phải có bằng này nữa mới xong, về đi, 10 ngày nữa có quyết định”!?. Một thời gian sau, đối tượng này đã bán hết nhà cửa, tài sản để trả lại tiền cho những người mình đã vay (lừa) nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền đã chiếm đoạt được để ăn chơi xa xỉ và hoang phí. Kết quả của những hành vi đó là cầm cố “sổ đỏ” của gia đình và người thân, cơ quan sa thải, chồng (vợ) con từ bỏ, trả giá cho những ngày dài đằng đẵng trong trại tạm giam.

Những ngày này, tại Công an thành phố và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh) thấp thoáng có người dân đến trình báo và tố cáo những hành vi lừa đảo của các đối tượng. Đa số là những người nông dân, chân lấm tay bùn, bị lừa mất vài chục triệu đối với họ là cả một cơ nghiệp, tài sản lớn. Anh Nông Văn Đ, trú tại làng Trần, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) chua xót: “Ở làng tôi có rất nhiều người bị lừa, gia đình tôi cũng thế, tích cóp mãi và vay mượn thêm được 100 triệu để lo việc, nào ngờ lại bị lừa mất”...

 

Một điểm chung ở những vụ việc này là chính bị hại đã vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, khi sự việc xảy ra, không kịp thời trình báo với các cơ quan chức năng để sớm tìm ra sự thật và ngăn chặn những hành vi tiếp theo. Mong rằng mọi người hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa và đấu tranh, tố giác với những thủ đoạn của loại tội phạm này, tránh để tình trạng “tiền mất, tật mang”.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Rừng... “nóng”
HGĐT- Hàng chục vụ khai thác, mua bán, vận chuyển, cất trữ lâm sản trái phép được phát hiện từ đầu năm đến nay đã chứng tỏ cuộc “chiến” giữ rừng ngày càng khốc liệt. Rừng “nóng” không chỉ đơn thuần ở tốc độ tàn phá như vũ bão của lâm tặc, nó còn “nóng” ở một khía cạnh khác: Đó là sự tiếp tay của cán bộ công quyền cho hành động tàn sát tài nguyên rừng. Những “đồng tiền bẩn”
28/03/2013
Bắt giữ nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo
HGĐT - Nhận được tin báo, ngày 26.3, tại địa phận tổ 5, phường Ngọc Hà(TP Hà Giang) đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra xe ôtô 5 chỗ nhãn hiệu DAWO (LAICITY) BKS 37A-008.57. Lái xe kiêm chủ hàng là ông Phạm Khắc Thành, trú tại xã Diễm Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An).
27/03/2013
9 năm tù cho kẻ giết người
HGĐT- Ngày 20.3, TAND tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Hoàng Quốc Chướng, sinh năm 1961, trú tại thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) về tội “Giết người”.
26/03/2013
Triệt phá một sới bạc
HGĐT- Vào hồi 1 giờ 40 phút ngày 23.3, tại nhà ở của Nguyễn Danh Quang (trú tại tổ 7, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) bắt quả tang 9 đối tượng đang tổ chức đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa.
25/03/2013
Thông tin tuyển dụng việc làm Tổng hợp cv cho nhiều ngành nghề