Những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

17:00, 17/02/2012

HGĐT- Thời gian qua, tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra nghiêm trọng ở trong địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) thuộc Công tỉnh đã bắt được 03 xe ô tô đang vận chuyển 590 khúc gỗ nghiến nhóm IIA tại địa bàn phường Quang Trung, thành phố Hà Giang. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.


Vì sao gỗ lậu có thể qua mặt các cơ quan chức năng?

Thời gian qua, tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh ta diễn ra tương đối phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng đã thành lập các tổ công tác liên ngành tại các điểm nóng để truy quét lâm tặc nhưng tình trạng buôn bán, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, đặc biệt ở khu rừng đặc dụng Phong Quang nằm trên địa bàn huyện Vị Xuyên và Quản Bạ. Năm 2011 đã phát hiện 166 vụ khai thác gỗ trái phép với số lượng 230,904 m3 gỗ, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Những số liệu trên mới chỉ phản ánh được một phần nào thực tế đang diễn ra. Đã đến lúc cần phải đặt ra câu hỏi: tại sao gỗ lậu có thể qua mặt các cơ quan chức năng? Gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã “vạch mặt” được kẻ đứng đằng sau bọn đầu nậu phá rừng, xúi giục phá rừng và tiếp tay cho “lâm tặc” vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản là những người có chức năng bảo vệ rừng hiện đang công tác trong các cơ quan nhà nước ở nhiều vị trí khác nhau, với nhiều hình thức tinh vi khó nhận diện.Tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục tình trạng khai thác, vận chuyển lâmsản trái phép, đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh (chứ không phải là cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm) cung cấp thông tin:“Hiện nay một khúc gỗ dạng thớt bán sang bên kia biên giới có giá ít nhất là 700 nghìn đồng. Một người đi vác thuê gỗ 1 ngày có thể kiếm được từ 700 nghìn -1 triệu đồng, nếu trực tiếp khai thác, vận chuyểnvà buôn bán thì 1 ngày kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Với giá trị lợi nhuận cao như vậy, nên rất nhiều người dân bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền có ngày trên địa bàn thôn Tả Lèng có tới hàng trăm người tham gia khai thác và vận chuyển gỗ nghiến qua bên kia biên giới. Hiện số hộ dân của xã Minh Tân có trên 1.150 hộ thì trên địa bàn xã có tới trên 1.000 chiếc cưa xăng có gắn bộ phận giảm thanh. Có thể khẳng định: Tình hình khai thác gỗ trái phép hiện nay không giảm mà phát triển mạnh hơn trước. Ngày 12.2 vừa qua, để chuẩn bị cho hội nghị này đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã trực tiếp tới thị sát tình hình ở thôn Hoàng Lỳ Pả.Qua tiếp xúc trao đổi với người dân nơi đây, đoàn được người dân phản ánh là hiện có tới hàng trăm cây nghiến cổ thụ đã bị đốn hạ. Riêng thôn Thượng Lâm vừa quá có 6 cây, thôn Tả Lèng có 8 cây nghiến đại thụ mới bị chặt hạ xong. Tới thực địa thuộc địa bàn xã Tả Lèng, chỉ đếm sơ bộ trên một vạt rừng dài khoảng 400 m có tới trên 20 cây nghiến cả cũ và mới đã bị đốn hạ, hiện trường hiện vẫn còn số cây trên đổ ngổn ngang, một số ít cây hiện đang bị lâm tặc “xẻ thịt”. Mức độ tàn phá rừng hiện nay rất lớn, trong khi các cơ quan chức năng đều chịu bó tay không bắt được lâm tặc trong những vụ việc chặt phá cây nghiến trên rừng như đã nêu trên. Phải Khẳng định nếu tỉnh không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, thìvới tốc độ này rừng không thể khôi phục lại được nữa.


Những khó khăn mà các cơ quan chức năng phải đối mặt

Khó khăn cơ bản nhất là một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất, tiếp tay cho lâm tặc gây ra lỗ hổng trong hệ thống quản lý, bảo vệ rừng. Theo đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch xã Minh Tân (Vị Xuyên): “Hiện nay tình trạng khai thác gỗ nhiều nhất là ở xã Minh Tân, xã có 9 thôn thì có đến 3 thôn gần 100% người dân và cả cán bộ thôn tham gia khai thác gỗ trái phép. Ban lãnh đạo xã đã tìm nhiều giải pháp khắc phục, nhưng tình trạng khai thác lâm sản vẫn không có gì thay đổi. Xã chúng tôi cũng vừa phát hiện trường hợp 2 trưởng thôn cũng tham gia khai thác gỗ lậu và đã thống nhất sẽ xử phạt thật nghiêm minh 2 cán bộ này.” Theo báo cáo, khoảng 60% người dân sống ở vùng đệm rừng đặc dụng Phong Quang tham gia vào việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép. Một số đối tượng tích cực còn thuê người ở nơi khác về phá rừng, ví dụ: Người dân ở xã Tả Ván (Quản Bạ) thuê dân ở Tùng Vài (Quản Bạ) đến khai thác gỗ. Việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tầm quan trọng của rừng ở các huyện gần biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Do cuộc sống của người dân còn nghèo đói, dễ bị các đối tượng xấu xúi giục phá rừng để kiếm lợi. Hơn nữa, một số cán bộ ở thôn cũng tham gia vào việc khai thác gỗ lậu nên công tác tuyên truyền ở địa phương không có hiệu quả.


“Lâm tặc” ngày càng tinh vi và manh động

Các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi “Các đối tượng “lâm tặc” này có sự triển khai tổ chức rất chặt chẽ. Chúng bố trí người theo dõi, khi các lực lượng bảo vệ rừng triển khai vây bắt, chúng lập tức báo cho đồng bọn hoạt động ở trong rừng biết. Những kẻ này sẽ giải tán ngay hoặc một số kẻ khác manh động hơn còn dọa giết nếu ngăn chặn chúng. Khi đoàn công tác Bộ Chỉ huy BĐBP vào thôn Hoàng Lỳ Pả, cũng đã bị “lâm tặc” gây khó khăn bằng cách rải chông làm thủng lốp phương tiện đi lại cả lúc vào lẫn lúc ra. Nan giải nhất là do địa bàn rộng, lực lượng chức năng lại quá mỏng, đường sá đi khó khăn, hiểm trở nên việc bắt quả tang “lâm tặc” tại rừng rất khó. Khi nghe được tin báo, lực lượng bảo vệ rừng phải mất 3-4 giờ đi bộ mới tới nơi thì “lâm tặc” đã tẩu tán.”Bí thư Đảng xã Thanh Thủy Lý Xuân Lù phát biểu: “Công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn còn do “lâm tặc” phần lớn đều xuất phát từ người dân địa phương, họ là những người thông thuộc địa hình nên mỗi khi lực lượng chức năng phát hiện và triển khai ngăn chặn thì những đối tượng vi phạm đều rút lui hết. Có những lầntrực tiếp cán bộ lãnh đạo xã và lực lượng chức năng tham gia bắt được cả xe chở gỗ lậu,nhưng khi đêm đến nhà công vụ của xã bị ném khá nhiều gạch đá. Trên thực tế, xã Thanh Thủy có rất ít gỗ nghiến, gỗ nghiến buôn bán trên địa bàn xã chủ yếu là các đối tượng vận chuyển từ nơi khác đến, vì thế muốn ngăn chặn hiệu quả thì phải ngăn chặn từ gốc. Theo tôi, nên làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý từ nhân dân để họ hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ rừng và sẵn sàng tố cáo những kẻ khai thác gỗ trái phép.”

Tại hội nghị họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Trước mắt cần phải thành lập một tổ công tác, giao cho Ban Dân vận làm tổ trưởng, thành viên là các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nông lâm, Hạt Kiểm lâm... thống kê các thôn có liên quan đến vận chuyển, khai thác gỗ trái phép để trấn chỉnh, kiện toàn lại hoạt động của hệ thống cán bộ 11 chốt của thôn và triển khai công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đường biên mốc giới; Thành lập một trạm Kiểm soát Lâm sản tạm thời tại km7 đường Hà Giang – Đồng Văn để khắc phục tình trạng vận chuyển gỗ trái phép bằng xe cơ giới. Thực hiện tuyên truyền, vận động người dân sống ở vùng đệm lõi rừng đặc dụng Phong Quang giao nộp cưa xăng trong một khoảng thời gian nhất định... Với các biện pháp cứng rắn và kịp thời nêu trên, hy vọng các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ trấn áp được tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đang “nóng” hiện nay.


LÊ THỊ THANH HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vây bắt kẻ "vào viện truy sát con bạc"
Do mâu thuẫn trong việc đánh bạc, Vũ Đức Minh (có 1 tiền án và bị nhiễm HIV) đã cùng 2 đối tượng khác dùng súng quân dụng đánh bị thương một con bạc, sau đó vào tận bệnh viện để truy sát con bạc này.
31/01/2012
Chi cục Quản lý thị trường Hà Giang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trước, trong và sau Tết
HGĐT- Nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng, dầu, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, thực hiện Công văn của Cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
30/01/2012
Tổng kết cuộc thi "Tìm hiểu Pháp luật về biên giới Quốc gia"
HGĐT- Sáng 16. 2, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Pháp luật về biên giới Quốc gia".
17/02/2012
Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm - lĩnh án tù giam
HGĐT- Ngày 16.2, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án đối với bị cáo Đặng Quang Bình (sinh 1983), trú quán khu 6, xã Xuân Lộc, Thanh Thủy (Phú Thọ), tạm trú tại phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
17/02/2012