Nữ sinh đánh nhau sẽ xử lý bằng luật
Ngày 19/12, tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) đã diễn ra Hội thảo "Thực trạng và một số giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ". Qua nhiều tham luận của Công an, Hội LHPN, Bộ Giáo dục và Đào tạo được nêu ra, theo đó, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất hiện trong học sinh nam mà ngày càng nhiều học sinh nữ có hành vi bạo lực đánh hội đồng quay clip rồi tung lên mạng.
"Sốc" khi xem clip nữ sinh đánh bạn
Chỉ cần seach trên Google cụm từ clip nữ sinh đánh bạn thì trong 0,13 giây sẽ có 5.080.000 kết quả. Chủ yếu việc đánh nhau là do xích mích giữa các học sinh, dùng tay, chân đánh nhau, đáng lưu ý là học sinh nữ đánh nhau tập thể, làm nhục bạn quay phim và đưa clip lên mạng.
Vụ việc xảy ra gần đây nhất là vào khoảng 10h ngày 8/12, sau khi thi xong, 3 nữ sinh của Trường THCS Trương Văn Ngư, Phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM dừng xe ngay ngã ba tại đầu đường số 19 (phường Linh Tây). Cùng lúc này em L. T. học cùng trường đi xe đạp ngang qua liền bị cả ba nữ sinh chặn đường. Sau một hồi quát tháo, cả ba nữ sinh lao vào đấm đá túi bụi.
Em T. sợ hãi khóc sau khi bị bạn đánh. |
Thấy vậy, một số người khu vực chạy đến can ngăn và giữ ba nữ sinh. Ngay sau đó, Cảnh sát khu vực và bảo vệ dân phố đưa 3 nữ sinh về Công an phường làm việc. Trong mấy ngày, đoạn video clip có khoảng 20 nữ sinh mặc đồng phục và có vài nữ sinh mặc thường phục lao vào ẩu đả nhau bằng tay và chân...
Chiều 12/12, lãnh đạo Trường THPT Hương Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, có 6 học sinh của Trường THPT tham gia vụ ẩu đả và 3 học sinh khác liên quan. Số nữ sinh đó hầu hết học tại lớp 12A7 của trường…
Trước đó, vào ngày 28/11, một video clip dài 3 phút quay bằng điện thoại di động được tung lên mạng Youtube ghi lại cảnh 3 nữ sinh vây đánh một nữ sinh mặc áo màu xanh. Không dừng lại ở việc đấm, đá và tát vào mặt, 3 nữ sinh còn dùng giày đánh vào mặt và đầu của nạn nhân. Trận đòn đã khiến nữ sinh áo xanh bị thương khá nặng. Sau khi đánh xong, các nữ sinh bỏ đi, để lại nạn nhân nằm bất tỉnh.
Sau đó, xác định được danh tính cả 3 nữ sinh đánh bạn đều là học sinh lớp 11 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Giữa tháng 11, một clip đánh hội đồng của nhóm nữ sinh rạch áo, đánh đập dã man một nữ công nhân. Sau đó, 4 "nhân vật" liên quan đến clip được xác định là học sinh lớp 11, Trường THPT Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh…
Ba nữ sinh tham gia đánh bạn học cùng lớp bị đưa về Công an phường. |
Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm 2009 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trong đó, hiện tượng học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng coi như là một "chiến tích" để thể hiện mình trước mọi người đang có xu hướng tăng.
Giải pháp hữu hiệu nào cho vấn đề này
Tại cuộc hội thảo, nhiều tham luận của các ban, ngành đã được đưa ra nhấn mạnh vào giải pháp nào để phòng và chống? Đó không chỉ đòi hỏi gia đình mà trường học, xã hội cũng phải vào cuộc. Theo tiến sĩ Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội thì việc nữ sinh đánh nhau gần như các em không nhận thức được hành vi của mình là sai. Trong đó, có tới 57,3% số nữ sinh từng đánh nhau coi việc đó là "bình thường" và 39,6% số nữ sinh "chấp nhận được" hành động này. Đó là một sự lệch chuẩn đạo đức nghiêm trọng.
Theo Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cho biết, học sinh nữ đánh nhau xảy ra ở khu dân cư, trong trường, nhất là ở nơi vắng người qua lại. Đối tượng chủ yếu là học sinh cuối cấp THCS, THPT. Đây là lứa tuổi mà cơ thể các em có sự phát triển tâm lý, có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích khẳng định bản thân một cách thái qúa, thiếu khả năng kiềm chế trong giải quyết khúc mắc, dễ bị rủ rê, kích động, lôi kéo. Lý do dẫn đến đánh nhau thường đơn giản như: Nhìn mặt thấy "ghét", đùa nghịch quá trớn, xích mích, nói xấu nhau trước đông người hay qua "chát" hoặc do học sinh có quan hệ yêu đương sớm, ghen tuông, trả thù nhau…
Đồng chí Trần Thế Hồng, Văn phòng Thường trực PCTP về MT trao đổi tham luận tại hội thảo. |
Đồng chí Trần Thế Hồng, Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm về ma tuý, Tổng Cục CSPCTP, Bộ Công an cho biết: Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo ngang ngược, bất chấp đạo lý pháp luật gây tổn thương đối với người khác về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi các vấn đề liên quan đến trường học. Một số vụ việc xảy ra, có nạn nhân báo Công an nhưng có nạn nhân lại im lặng tự chịu đựng. Khi nhận được tin báo, cơ quan Công an đã gọi gia đình và học sinh đấy lên cảnh cáo hoặc gửi về nhà trường để xử lý. Tuy nhiên, các em học sinh cũng nên hiểu rằng, nếu gây ra những vụ việc nghiêm trọng cho người khác thì bản thân các em cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật
Ý kiến bạn đọc