Những thủ đoạn huy động vốn của các “chúa chổm”
Để huy động được nhiều tiền của nhiều người trong thời gian ngắn nhất, các chủ nợ đã không từ một thủ đoạn nào. Khi có tiền trong tay, chúng không sử dụng vào mục đích kinh doanh, sản xuất như đã cam kết mà lấy tiền người này trả lãi cho người khác. Chính vì vậy, sự đổ vỡ của những chủ nợ là điều không thể tránh khỏi.
Từ việc đánh bóng thương hiệu
Để huy động vốn được nhiều, việc đầu tiên các chủ nợ làm là đánh bóng hình ảnh bản thân, tung những tin không có thật về khả năng mở rộng kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực cần vốn lớn như buôn bán bất động sản, buôn bán vàng, ôtô... Cùng với nó là chứng minh cho thiên hạ biết về sự thành công của mình trong lĩnh vực đó thông qua những sự hào nhoáng khác như đi ôtô xịn, thường xuyên thay ôtô, xây nhà ở thật hoành tráng, đặc biệt hào phóng trong chi tiêu, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện... Những việc làm này tưởng là "vô tình" nhưng thực chất, đó là mục tiêu đầu tiên các chủ nợ để những người khác biết được "tiềm năng" của mình.
Khi đã có "thương hiệu" làm ăn cũng là lúc các chủ nợ bắt đầu huy động vốn một cách ồ ạt, càng nhiều, càng nhanh càng tốt bằng việc đánh vào lòng tham của con người. Khoản lãi suất mà chúng đưa ra cũng khiến nhiều người không cần cân nhắc nhiều mà tin tưởng giao tiền, vàng, ngoại tệ cho chúng để đổi lại một mảnh giấy nhận tiền. Đó là lãi suất từ 5-10%/tháng. Nghĩa là nếu gửi 1 tỷ đồng thì ngay trong tháng đầu tiên đã được nhận gần 100 triệu đồng tiền lãi. Những tháng đầu tiên, việc thanh toán bao giờ cũng sòng phẳng, nhưng những tháng sau sẽ viện ra vô vàn lý do để chậm trả lãi do kinh doanh khó khăn... và cuối cùng là bỏ trốn, để lại các bị hại nháo nhác như ngồi trên đống lửa.
Điển hình nhất trong những chủ nợ có nhiều thủ đoạn tinh vi trong việc huy động vốn chính là cặp vợ chồng Quang - Quyên ở Đan Phượng, Hà Nội. Là một doanh nghiệp trẻ, nhưng Quang có khá nhiều thủ đoạn trong việc đánh bóng hình ảnh bản thân khiến nhiều người khác phải "kính nể". Trong nhiều năm liền, Quang tham gia nhiệt tình các hoạt động xã hội, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước và bản thân Quang nhiều năm liền là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đan Phượng.
Ngoài việc đầu tư vào bất động sản, như một thứ mốt thời thượng, Quang đầu tư tiếp vào salon ôtô khi việc làm ăn bắt đầu trượt dốc (trên thực tế đều là tài sản ký gửi của nhiều doanh nghiệp và cá nhân khác) để che đậy cho việc làm ăn thua lỗ của vợ chồng họ. Thậm chí, toàn bộ số vàng bày bán ở tiệm vàng Quang Quyên chỉ là mỹ ký. Phần lớn ở đây không có giao dịch mua bán. Trong trường hợp khách "tha thiết" yêu cầu thì Quang, Quyên sẽ đi lấy hàng ở nơi khác về bán. Thực tế cửa hàng kinh doanh vàng bạc này mở ra để che mắt thiên hạ và tiếp tục huy động vốn.
Cơ ngơi bề thế của Nguyễn Thị Dậu và Nguyễn Thị Cúc. |
Kích thích sự ham muốn của bị hại
Hay như những thủ đoạn của Nguyễn Thị Cúc tại huyện Phú Xuyên. Đến thời điểm này, hàng loạt cửa hàng vàng bạc trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã trở thành "nạn nhân" của Cúc. Trước tiên, chị ta đến các cửa hàng bán vàng với số lượng lớn để tạo uy tín có nhiều tiền. Sau đó, Cúc lại mang tiền gửi ở các tiệm vàng (thực chất đều là tiền Cúc huy động của những người khác). Sau đó bằng cách bưng bít thông tin (Cúc khéo léo để những người bị hại không cho nhau vay tiền).
Ngoài câu nhử bằng lãi suất cao, sòng phẳng ngay từ ban đầu, Cúc còn tạo sự ham muốn cho những bị hại. Nghĩa là Cúc vay tiền của người này thì người kia không thể biết được khiến những người được hưởng lãi suất nghĩ mình được "ưu ái" nên tiếp tục huy động vốn hoặc kéo theo những người thân, bạn bè vào cuộc.
Các bị hại còn không biết một thực tế nữa, đó là khi định "tiếp cận" ai, Cúc đều có sự điều tra về họ để nắm bắt những thông tin cần thiết cũng như thực hiện các thủ đoạn lôi họ vào bẫy. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, người đàn bà ngoài 30 tuổi này đã lừa được 7 người để chiếm đoạt 121 tỷ đồng, 402 cây vàng rồi bỏ trốn.
Đến việc tạo vỏ bọc "thân thiện"
Mới đây nhất là vụ lừa đảo của Phạm Thị Chinh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Do có nhiều năm làm việc ở một công ty vàng bạc đá quý nên Chinh có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực vàng bạc. Nhìn ai đeo một thứ trang sức nào trên người, Chinh có thể "đọc" được ngay tuổi vàng, trọng lượng, liền với nó là việc "khoe" đang mở một công ty vàng bạc, cần huy động vốn và tất nhiên, người nào tham gia sẽ được hưởng lãi suất đặc biệt.
Không giống như Tạ Việt Quang ở Đan Phượng hay Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên, Chinh lợi dụng triệt để mối quan hệ hàng xóm láng giềng hay những quan hệ thân thiết trong gia đình. Bố mẹ Chinh là những người hiền lành, chất phác, sống lâu trong khu tập thể nên được nhiều người quý mến. Về phần mình, Chinh cũng tạo vỏ bọc là một cô gái chăm chỉ, lễ phép, luôn thân thiện với mọi người. Khi có ý định vay tiền một người nào đó, Chinh đều bảo bố hoặc mẹ đặt vấn đề với họ trước, khi họ đồng ý, Chinh mới sang làm giấy biên nhận.
Từ chỗ là một kế toán, thu nhập chẳng đáng là bao, Chinh đổi đời bằng cách mua ôtô xịn, trang bị trên người những vật dụng đắt tiền khiến hàng xóm không khỏi ngạc nhiên về khả năng kinh doanh của Chinh. Chưa hết, trước và sau khi nhận tiền của bị hại, Chinh còn tỏ ra "có trước, có sau" khi thường xuyên qua nhà họ thăm hỏi, tạo sự thân thiết và không quên biếu họ những món quà đắt tiền. Lòng tin của con người chính vì thế ngày càng được củng cố và khi đã chiếm được trọn vẹn lòng tin của người khác thì việc họ sẵn sàng mở két đưa tiền, vàng cho Chinh chỉ là vấn đề thời gian.
Một thủ đoạn nữa cũng cần phải nói tới, đó là việc các chủ nợ thông qua những người có địa vị xã hội, những người có máu mặt trong giới kinh doanh để biến họ thành vệ tinh, thành đại lý cấp 1, cấp 2 cho mình bởi chúng biết, việc huy động vốn của những người này sẽ rất hiệu quả nhờ uy tín và thương hiệu của họ. Điều này có thể lý giải một thực tế từ các vụ vỡ nợ là tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, các chủ nợ lại có thể huy động được một khoản tiền lớn đến như thế. Khi vỡ nợ xảy ra, chính những vị là đại lý này lại lâm vào cảnh sống dở, chết dở bởi nhiều người đến đòi nợ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo quy luật kinh tế thông thường, để kinh doanh một lĩnh vực nào đó mà lãi suất cao "khủng khiếp" đến như vậy là điều hoàn toàn không tưởng. Mặt khác, dân gian ta cũng có câu: Mọi thứ đều có giá của nó! Cái giá ở đây có thể tốt, có thể xấu, tất cả đều tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Con người ai cũng có lòng tham, nhưng trước một sự việc, hiện tượng hãy tỉnh táo suy xét để đánh giá toàn bộ bản chất sự việc để rồi đi tới quyết định làm hay không làm. Đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, công sức bao giờ cũng khó khăn, nhưng bền vững và chắc chắn, những đồng tiền đó sẽ không phải chịu cảnh rủi ro như những người vì lòng tham mà đầu tư vào những khoản tín dụng đen
Ý kiến bạn đọc