Hiệu ứng domino "vỡ" tín dụng đen
Còn tại các địa phương khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Thọ... một số vụ vỡ nợ cũng đã bung ra khiến nhiều người bàng hoàng về con số tiền tỷ cũng như thủ đoạn gom tiền "xưa như trái đất" của các chủ nợ nhưng vẫn có hàng trăm người "dính đòn".
Con số các vụ vỡ nợ chưa dừng lại ở đây, khi dấu hiệu đe dọa vỡ nợ tại một số nơi đang dần hiện rõ hình hài. Đó là hiệu ứng domino đáng báo động trong hoạt động tín dụng đen và để lại hậu quả khôn lường.
Bi kịch đại gia Nguyễn Văn Mười Hai
Nguyễn Văn Mười Hai - ông chủ hãng nước hoa Thanh Hương - cái tên lẫy lững trong những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX và cũng là cái tên kinh hoàng trong năm 1990 khi vụ vỡ nỡ 37 tỷ đồng bung ra sau 16 năm thụ án giờ đang làm lại cuộc đời. Cái giá đắt mà ông chủ hãng nước hoa Thanh Hương không chỉ là 16 năm bóc lịch mà còn sự khốn khổ mà ông ta mang lại cho vợ con, người thân cùng những tấn bi kịch cho hàng trăm gia đình - những chủ nợ của ông. Để huy động được số tiền 37 tỷ đồng vào thời điểm cách đây hơn 20 năm, Nguyễn Văn Mười Hai đã dùng chiêu bài phô trương thanh thế.
Về "lịch sử" con người ông Nguyễn Văn Mười Hai không thể không nhắc đến giai đoạn thành công khi gây dựng nên sản phẩm và thương hiệu nước hoa Thanh Hương. Phải là người biết nhìn xa trông rộng, ham học hỏi và cả khát vọng thay đổi số phận nên Nguyễn Văn Mười Hai từ một người mới có trong tay tấm bằng cao đẳng, làm ăn buôn bán nhỏ song đã táo bạo đi vào sản xuất nước hoa, một sản phẩm không thuộc diện nhu yếu phẩm bắt buộc con người ta phải sử dụng hằng ngày. Thế mà khi cho ra đời mặt hàng được xếp vào loại xa xỉ này và lại ở cái thời mới mở cửa nhưng ông đã biết tận dụng lợi thế của sóng truyền hình, sóng phát thanh để quảng bá. Những câu chữ quảng cáo sản phẩm nước hoa Thanh Hương nghe dân dã song cũng rất bùi tai, dễ dẫn dụ các bà, các chị mua dùng.
Tên tuổi Nguyễn Văn Mười Hai thơm nức cùng nước hoa Thanh Hương nên bất kể là dân thường hay người có chức sắc đều tin con người này. Mà không chỉ dừng lại ở đây, mọi người còn ngưỡng mộ khi thấy ông ta mỗi ngày một hoành tráng khi phóng Mercedes bóng lộn cùng đoàn vệ sỹ đi xe môtô phân khối lớn đeo kính đen hộ tống. Thế nên, khi ông chủ nước hoa Thanh Hương huy động vốn, dòng người nối đuôi nhau đem tiền đến cho ông ta vay mỗi ngày một nối dài. Tên tuổi cùng sự giàu sang của Nguyễn Văn Mười Hai làm cho họ tin, lãi suất 15%/tháng (180%/năm) tạo ra sức hấp dẫn chết người. Thế là, trong nhà có bao nhiêu tiền tiết kiệm, kinh doanh có bao nhiêu vốn liếng người ta dốc ra hết đem đến gửi cơ sở nước hoa Thanh Hương. Chẳng phải đổ một giọt mồ hôi nhưng vẫn sinh lời cao khiến người ta dễ dàng sập bẫy Nguyễn Văn Mười Hai.
37 tỷ đồng - con số cuối cùng được công bố vào năm 1990 khi cái bong bóng mang tên Nguyễn Văn Mười Hai nổ bụp. Vào thời điểm này, con số trên thuộc hạng siêu tưởng. Thế nhưng, nó lại là con số thực bởi đã được cơ quan điều tra xác minh, thu thập trên cơ sở những chứng cứ có tính pháp lý. Nguyễn Văn Mười Hai bị bắt tạm giam, tài sản bị phát mại. Vụ án được đưa ra xét xử, Nguyễn Văn Mười Hai đi tù, tài sản sau khi phát mại dùng để trả cho những con nợ của ông ta. Thế nhưng, số tiền phát mại tài sản thu được quá thấp so với số nợ thực nên việc khắc phục hậu quả chỉ là một phần nhỏ. Nguyễn Văn Mười Hai đi tù, vợ ông ta cũng vào nhà đá, con ông ta bơ vơ trong cảnh không nhà.
Bài học Nguyễn Văn Mười Hai những tưởng sẽ cảnh tỉnh cho nhiều người nhưng thực tế không như vậy. Có khá nhiều người là "học trò" của Nguyễn Văn Mười Hai đã và đang nhằm vào những người hám lợi từ lời dụ dỗ lãi suất cao để "oanh tạc". Và cơn lốc vỡ nợ ba tháng gần đây ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác cho thấy thủ đoạn của Nguyễn Văn Mười Hai tuy cũ nhưng vẫn được những kẻ đi sau áp dụng và "thu hoạch" hàng nghìn tỷ đồng và cũng không tránh nổi cái họa vỡ nợ.
Đổ vỡ hàng loạt...
Ngày 20/10, Công an TP Hà Nội đã có thống kê, đánh giá cũng như biện pháp ổn định xã hội sau hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn tại một số quận, huyện đã xảy ra 5 vụ vỡ nợ lớn. Điển hình phải kể đến vụ vỡ nợ của ông Giám đốc Công ty TNHH Quang Quyên - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Đan Phượng.
Bị can Tạ Việt Quang. |
Tính đến nay, có 2 doanh nghiệp và 26 cá nhân là nạn nhân của cặp vợ chồng gắn mác doanh nhân thành đạt này với số tiền không có khả năng chi trả trên 100 tỷ đồng. Thứ đến là vụ Nguyễn Thị Cúc, ở huyện Phú Xuyên đã vay nợ của 7 cá nhân với số tiền 121 tỷ và 402 cây vàng... Gần đây nhất, vụ vỡ nợ của Phạm Thị Chinh, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy đã xác định có 15 cá nhân là nạn nhân với số tiền 53 tỷ đồng...
Tại sao thời gian gần đây lại xảy ra nhiều vụ vỡ nợ và rồi, liệu con số các vụ vỡ nợ có thể tạm dừng ở đây? Thượng tá Tào Công Hải, Phó Trưởng phòng Bảo vệ An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội lý giải, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những khó khăn trong nguồn vốn sản xuất kinh doanh, ngân hàng thắt chặt hoạt động tín dụng, hạn chế cho vay vào lĩnh vực phi sản xuất. Từ đó, những cá nhân, doanh nghiệp cần vốn đã tìm nguồn tiền vay bên ngoài và chấp nhận vay với lãi suất cao đã tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng đen phát triển. Để có tiền cho vay, những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này đã gom tiền từ các cá nhân, doanh nghiệp có tiền dư thừa với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Thực tế lại chứng minh rằng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn tự có của doanh nghiệp trung bình ở nước ta là 10-15% nên khi vay lãi suất cao, nguồn này khó bù đắp và dễ dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh khoản, phá sản. Cho dù nguyên nhân các vụ vỡ nợ được xác định là gì đi nữa thì ở các vụ vỡ nợ đều có chung một đặc điểm là kéo theo phản ứng dây chuyền. Nó tác động không chỉ đến một người, một nhóm người mà lan rộng ra cả một khu vực, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội. Đánh giá về sức lan tỏa đáng sợ của các vụ vỡ nợ vừa xảy ra trên địa bàn Hà Nội, ngày 20/10 vừa qua Công an TP Hà Nội công bố những vụ có dấu hiệu vỡ nợ khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ và Lương Sơn (Hòa Bình).
Điển hình phải kể đến trường hợp con nợ "lánh mặt" khiến những người cho họ vay tiền như đang ngồi trên đống lửa. Đó là trường hợp Nguyễn Đức Toàn, trú tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, với số vốn đã huy động khoảng 20 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 24/10, Công an TP Hà Nội lại có thêm những thông tin về 2 chủ nợ mới: Đó là Đỗ Ngọc Phương ở quận Long Biên và Nguyễn Hùng Khánh ở huyện Thanh Trì, mỗi người huy động được 10 tỷ đồng nhưng đến nay không có khả năng chi trả cho các bị hại
Ý kiến bạn đọc