Tăng cường các biện pháp PCCC chợ và trung tâm thương mại
HGĐT- Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có139 chợ (trong đó có 4 chợ kiên cố, 1 trung tâm thương mại, còn lại 135 chợ bán kiên cố và chợ tạm). Một thực trạng đáng lo ngại là một số chợ trong tỉnh, nhất là chợ trung tâm thành phố Hà Giang đã được xây dựng từ nhiều năm trước đây, số lượng hộ kinh doanh tăng đáng kể, trữ lượng hàng hóa lớn, cơi nới lấn chiếm lối đi, hệ thống điện xuống cấp...
Lực lượng bảo vệ chợ mỏng, thiếu tuần tra, canh gác. Bên cạnh đó, phương tiện thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu về PCCC, từ đó tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ xảy ra lớn.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Công an, của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình hưởng ứng của các cấp, các ngành với những hoạt động tích cực, có hiệu quả của lực lượng Cảnh sát PCCC, CHCN, tình hình cháy chợ được ngăn chặn.
Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN đã chủ động với các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra công tác PCCC chợ, thanh tra xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC đối với chợ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm buôn bán trên địa bàn toàn tỉnh, tìm ra những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác PCCC chợ, trung tâm thương mại từ đó đưa ra các giải pháp kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục.
Để đảm bảo công tác PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đối với công tác PCCC chợ và trung tâm thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nội quy, quy định về an toàn PCCC chợ; hướng dẫn các cấp, các ngành, Ban Quản lý các chợ tăng cường công tác tự kiểm tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần thành lập ban, tổ quản lý các chợ, có trách nhiệm trực tiếp thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC với các nội dung như: Quản lý và kiểm tra việc sử dụng hệ thống điện của các hộ kinh doanh theo đúng quy định, cấm câu móc điện từ ngoài vào chợ. Khi ra về phải tắt điện, ngắt cầu giao tổng, quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngọn lửa trần, những khu vực ăn uống, đồ nướng...cần được khoanh vùng và có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Phải có các giải pháp chống cháy lan như: Quy định sắp xếp, bố trí hàng hóa, không để lấn chiếm lối đi, khoanh vùng chia khu vực, tạo khoảng cách ngăn cháy, xây tường ngăn cháy, đồng thời phải có giải pháp thoát nạn cho người khi có cháy xảy ra, có hệ thống chỉ dẫn lối thoát nạn.
Thành lập các đội PCCC gồm ban, tổ quản lý và những chủ hộ kinh doanh chính trong chợ, trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện an toàn PCCC; xử lý vi phạm đối với các hộ kinh doanh có hành vi vi phạm quy định về PCCC.
Đầu tư kinh phí cho công tác PCCC, trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, quy mô của từng chợ, đáp ứng được yêu cầu về PCCC như: Hệ thống báo cháy, chữa cháy, các nội quy tiêu lệnh về PCCC; hàng năm phải bổ sung phương án, tổ chức thực tập phương án có sự tham gia của nhiều lực lượng. Củng cố hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chợ khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn và hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả góp phần giũ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc