Bài học đau xót từ vụ "cướp than" tại Mao Khê, Quảng Ninh
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ "cướp than" tại Mạo Khê, Quảng Ninh cho rằng, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản không chỉ thuộc về Công ty Than Mạo Khê mà còn thuộc về các cơ quan chức năng, ban, ngành tại huyện Đông Triều.
Vụ việc xảy ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, khi hàng chục xe ủi, máy xúc, xe tải hạng nặng được huy động để khai thác than tại 13 điểm thuộc quyền quản lý của Công ty Than Mạo Khê. Được sự tiếp tay của cán bộ Công ty Than Mạo Khê, các đối tượng "than thổ phỉ" đã khai thác trái phép trên 28.000 tấn than.
Theo kết quả giám định của Sở TN-MT và Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, trong vụ việc nói trên, 28.000 tấn than nguyên khai tương đương với 19.600 tấn than sạch, trị giá hơn 16,6 tỉ đồng. Vụ việc bị vỡ lở, lãnh đạo Công ty Than Mạo Khê biện minh rằng đây là một vụ "cướp than" trắng trợn của những đối tượng giang hồ, do lực lượng bảo vệ của công ty quá mỏng nên không ngăn chặn được. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định bản chất của vụ án không phải là trộm cướp than mà đã có sự thông đồng, móc ngoặc giữa các đối tượng khai thác than trái phép với một số cán bộ của Công ty Than Mạo Khê.
Trong số này, nguyên Trưởng và Phó phòng Bảo vệ quân sự Công ty Than Mạo Khê là Lê Khắc Hùng (54 tuổi) và Phạm Duy Nghĩa (40 tuổi) được xác định là đã mở cửa cho "than tặc" đưa máy móc vào khai thác than trái phép trong khu vực thuộc quyền quản lý của công ty. Lê Khắc Hùng khai đã nhận tiền của các đối tượng khai thác than trái phép để tiếp tay cho bọn chúng.
Ngoài ra, 5 bị cáo là lãnh đạo chủ chốt của Công ty Than Mạo Khê gồm Giám đốc Lê Viết Ngự (53 tuổi, Giám đốc Công ty Than Mạo Khê) và 4 Phó Giám đốc gồm: Trần Văn Thiện (48 tuổi), Uông Hồng Hải (48 tuổi), Nguyễn Văn Tuân (32 tuổi), Phạm Văn Khôi (41 tuổi) bị được xác định là có hành vi buông lỏng công tác quản lý. Các đối tượng này đã có biểu hiện che giấu bằng cách chỉ đạo cho san lấp, hoàn nguyên hiện trường bị khai thác để che giấu hậu quả.
Tổng số 7 bị cáo nguyên là cán bộ Công ty Than Mạo Khê bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", riêng bị cáo Lê Khắc Hùng còn bị xét xử thêm về tội "Nhận hối lộ". Ngoài ra còn có 24 bị cáo bị xét xử về tội "Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên" và 8 bị cáo bị xét xử về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, hầu hết các bị cáo đều chối tội và phủ nhận trách nhiệm. Các bị cáo nguyên là cán bộ Công ty Than Mạo Khê cho rằng đã làm hết trách nhiệm của mình khi sự việc xảy ra, đã báo cáo sự việc mất than lên cấp trên và chính quyền địa phương. Bị cáo Ngự cho rằng bản thân không có tội mà chỉ có thiếu sót trong công tác quản lý, để xảy ra sự việc mất than là do chế tài trong việc quản lý tài nguyên than còn nhiều bất cập. Cụ thể, Công ty Than Mạo Khê chỉ quản lý tài nguyên ở dưới đất còn người dân sinh sống phía trên. Khi xảy ra vụ "cướp than", chính quyền còn không ngăn chặn được, thì phía công ty càng không thể ngăn nổi.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Căn cứ vào các tình tiết của vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Lê Khắc Hùng 5 năm tù giam về hai tội "Nhận hối lộ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo Lê Viết Ngự, Trần Văn Thiện bị tuyên phạt án tù bằng đúng thời gian tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa; Uông Hồng Hải, Nguyễn Văn Tuân, Phạm Duy Nghĩa bị tuyên án từ 6-9 tháng nhưng cho hưởng án treo; Phạm Văn Khôi bị phạt cảnh cáo. 32 bị cáo còn lại trong vụ án này nhận mức án cao nhất là 18 tháng tù, tuyên phạt án tù bằng đúng thời gian bị tạm giam và trả tự do ngay tại tòa, bị tuyên phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hoặc phạt tiền về các tội như đã truy tố.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản không chỉ thuộc về Công ty Than Mạo Khê mà còn thuộc về các cơ quan chức năng, ban, ngành tại huyện Đông Triều.
Như vậy, cần phải thấy các cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm lớn trong vụ việc căn cứ theo điều 18, Luật Khoáng sản ban hành năm 2010, quy định về trách nhiệm bảo bệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp, có thể thấy rằng việc tổ chức bảo vệ, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương còn thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử lần này chưa thấy đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan nêu trên.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã có quyết định cách chức ông Phạm Đức Chuyển (52 tuổi, Chủ tịch UBND thị trấn Mạo Khê) và điều chuyển công tác. Thường trực Huyện ủy Đông Triều cũng đã có quyết định cho ông Vũ Ngọc Chiến (Bí thư Đảng ủy thị trấn Mạo Khê) rời khỏi cương vị công tác và hưởng chế độ hưu trí sớm hơn thời hạn 1 năm
Ý kiến bạn đọc