Báo động về cháy rừng ở Hà Giang
HGĐT- Tính từ đầu năm đến hết tháng 2.2010, cả nước đã xảy ra trên 150 vụ cháy rừng, làm hơn 1.600 ha rừng bị cháy, trong đó khu vực Tây Bắc chiếm chủ yếu. Tỉnh Lào Cai dẫn đầu với khoảng 700 ha rừng đã bị xóa sổ, Lai Châu có hơn 300 ha rừng đã bị cháy rụi, Hà Giang cháy rụi gần 230 ha.
Lực lượng Cảnh sát 113 luôn thường trực 24/24h đảm bảo an toàn cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ảnh: TRUNG THÀNH
|
Ngày 12.2.2010, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số: 270/CT-TTg Về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó quy rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như sau: “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR. Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”...
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do tác động chủ quan của con người. Khi lao động trên rừng, phát nương, làm rẫy vào mùa hanh khô vẫn còn những cá nhân thiếu ý thức dùng lửa, dẫn đến các vụ cháy rừng.
Từ thực tế cho thấy, để PCCCR hiệu quả, chính quyền, ngành chức năng cần sớm kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy PCCCR các cấp, triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR, chuẩn bị tốt các điều kiện, kịp thời chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng kiểm lâm cần hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt các quy định về PCCCR như: tu sửa đường băng cản lửa; hạ cấp thực bì giảm nguồn vật liệu gây cháy; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ hợp đồng phòng, chống cháy tại các vùng trọng điểm cần duy trì chế độ trực thường xuyên, phát hiện sớm đám cháy và thông báo kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống cháy của nhân dân, ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng hoặc có nương bãi khu vực này không để xảy ra cháy rừng, đốt dọn nương bãi, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vào những ngày không có gió. Đi đôi với các biện pháp trên, ngành chức năng cần nắm chắc diễn biến của thời tiết, xác định cấp dự báo cháy rừng tại từng khu vực, địa phương để thông tin, cảnh báo kịp thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực phòng cháy và có phương án huy động các lực lượng khi có cháy rừng xảy ra.
Để ngăn chặn được thảm hoạ do cháy rừng gây ra cần phải có một giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng cho người dân, với phương châm phòng cháy là chính.
Về lâu dài, nhất thiết phải xây bể chứa nước phục vụ chữa cháy tại những trọng điểm cháy rừng; bổ sung thêm các trang thiết bị phục công tác chữa cháy rừng để chủ động chữa cháy nhanh nhất. Cần chỉ đạo chặt chẽ việc gác lửa và dập lửa rừng; yêu cầu các cơ quan, ban, ngành phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, tập huấn kỹ thuật chữa cháy cho các chủ rừng; đề nghị lực lượng quân đội đóng quân tại những xã có rừng tiếp tục huy động bộ đội tham gia dập lửa rừng; nhân viên y tế sở tại tích cực cứu chữa, xử lý những tình huống xấu xảy ra với những người tham gia chữa cháy, bị ngã, bị ngạt, bị ngất, hay bị bỏng... phối hợp tốt với lực lượng kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa tại các khu rừng đặc dụng, theo phương châm ngăn chặn từ xa, tránh gây ra hậu hoạ. Áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn sẽ hạn chế được hiểm hoạ cháy rừng.
Ý kiến bạn đọc