Hệ lụy từ việc chưa quản lý được thuê bao trả trước
Thời gian qua, với sự phát triển quá nóng về số lượng của thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 90% tổng thuê bao), đã vượt qua số lượng dân số (gần 138 triệu thuê bao/86 triệu dân số) thì các cuộc gọi, nhắn tin khủng bố cũng vì thế mà có dịp… bùng phát. Và hệ lụy của nó là gây áp lực lớn đến tình hình trật tự xã hội, đẩy người sử dụng điện thoại rơi vào tình trạng phấp phỏng lo âu với cảm giác thiếu an toàn vì bị làm phiền, bị quấy rối; đời sống riêng tư bị xâm phạm.
99% số điện thoại dùng để quấy rối và khủng bố là thuê bao trả trước
Từ cuối năm 2009 đến nay, nhiều cơ quan báo chí đã nhận được phản ánh của người dân về việc họ liên tục bị quấy rối, khủng bố bằng điện thoại di động khiến cho tinh thần căng thẳng, cuộc sống bị đảo lộn trong khi đó các nhà mạng thì dường như tỏ ra vô can và đứng ngoài cuộc…
Không chỉ cá nhân bị quấy rối mà ngay cả những đơn vị chức năng cũng bị "dính đòn". Những đơn vị như Phòng Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội và TP HCM… liên tục nhận được nhiều cú điện thoại quấy rối, gây sự, khiêu khích, thậm chí là báo cháy và báo tai nạn… giả. Trong đó, đa phần các số máy gọi đến quấy rối mà hai đơn vị này ghi lại được đều chủ yếu xuất phát từ các TBTT.
Nhiều nạn nhân khốn đốn bởi những tin nhắn đe dọa, khủng bố. |
Trước đó, nhiều cá nhân như ông P.V.H., Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 91, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng phản ánh: Trong vòng 1 tháng, ông liên tục bị "khủng bố" bằng điện thoại từ tối cho đến tận đêm khuya. Trong đó, có rất nhiều tin nhắn với nội dung đe dọa. Cũng theo ông P.V.H., các tin nhắn đe dọa xuất hiện ngay sau thời điểm công ty thực hiện cam kết phối kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đông Triều, UBND xã Tràng Lương và BQL rừng đặc dụng Yên Tử đánh sập 7 cửa hầm, lò và cắt đường vào khu vực khai thác than trái phép của "thổ phỉ" trong rừng đặc dụng Yên Tử.
Tương tự, vào tháng 1/2010, Công an xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa) đã nhận được đơn của ông Hà Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thiệu Hóa, "kêu cứu" việc ông bị "khủng bố" bằng điện thoại hơn một năm nay. Theo đơn của ông Tư, ông thường xuyên bị người lạ dùng số máy di động gọi và gửi tin nhắn với những lời lẽ lăng mạ rất bậy bạ, rồi dọa tạt axít. Tháng 2/2010, Chánh án TAND TP HCM Bùi Hoàng Danh cũng phản ánh, nhiều tháng qua, ông luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng vì bị "khủng bố" bằng điện thoại.
Nạn nhân bị khủng bố điện thoại vẫn chưa được bảo vệ
Khi PV Báo CAND thực hiện bài viết này, có rất nhiều bạn đọc gọi điện và gửi thư đến phàn nàn, kêu ca về việc các nhà mạng đã chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bị khủng bố điện thoại. Bằng chứng là khi khách hàng bị quấy rối điện thoại gọi điện lên tổng đài của các nhà mạng yêu cầu nhờ can thiệp thường chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, không có hướng dẫn cụ thể, thỏa đáng…
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện của Viettel cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Phòng GQKN HNI của Viettel đã tiếp nhận 2 công văn khiếu nại về việc khách hàng bị quấy rối bằng điện thoại di động. Trên thực tế, Viettel đã tiến hành chặn 1 chiều của thuê bao quấy rối sau khi có đủ cơ sở dữ liệu và đã nhắn tin cảnh báo đến khách hàng sử dụng dịch vụ di động không đúng mục đích.
Khoản 3, điều 12, Nghị định số 142-2004 ngày 8/7/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về Bưu chính - Viễn thông đã có quy định rõ: Hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng. |
Cũng theo đại diện này, trên thực tế, hành vi quấy rối bằng điện thoại di động hoàn toàn dựa trên cơ sở quan hệ cá nhân. Vì thế, đối với các thuê bao quấy rối cùng mạng, Viettel sẽ thực hiện nhắn tin cảnh báo số thuê bao quấy rối. Trường hợp số quấy rối vẫn tiếp tục sử dụng thuê bao để quấy rối thì sau 2 lần nhắn tin cảnh báo, Viettel sẽ thực hiện chặn 1 chiều để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Đối với trường hợp thuê bao ngoài mạng quấy rối khách hàng của Viettel, Viettel sẽ làm công văn phối hợp với các đối tác xử lý.
Còn đại diện của VinaPhone cũng xác nhận: VinaPhone chỉ giải quyết khiếu nại của khách hàng khi có đủ chứng cứ và cũng như Viettel, đến thời điểm này, mức "xử lý" cao nhất đối với các thuê bao có hành vi quấy rối, khủng bố người khác cũng chỉ dừng lại ở mức chặn 1 chiều cuộc gọi. Còn đối với các hành vi quấy rối, khủng bố có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và an ninh quốc gia, VinaPhone không thể can thiệp mà khách hàng phải nhờ đến cơ quan Công an.
Tương tự, từ năm 2009 đến nay, Thanh tra Bộ TT&TT cũng xác nhận đã xử lý 3 trường hợp khách hàng khiếu nại liên quan đến việc quấy rối và khủng bố điện thoại của người dân, mức xử lý cao nhất cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu nhà mạng "cắt" thuê bao quấy rối.
Trên thực tế, với sự xuất hiện tràn lan của sim rác, người sử dụng có thể dùng cùng một lúc bao nhiêu sim tùy thích như hiện nay thì việc các nhà mạng chỉ cắt 1 chiều thuê bao quấy rối khi có đủ chứng cứ là quá nhẹ. Theo đánh giá của Bộ TT&TT mặc dù qua hai năm triển khai đề án quản lý TBTT đã có rất nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn gây ra những bức xúc cho cả xã hội và cơ quan quản lý nhà nước. Cho đến hiện tại, hành lang pháp lý để quản lý thuê bao trả trước cũng đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên bất chấp các quy định trên thực tế rất nhiều thuê bao với thông tin "ảo" vẫn đang hoạt động, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý.
Ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học Nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an: Hàng vạn người dân bị quấy rối và khủng bố điện thoại không biết nhờ cậy vào ai Việc truy tìm thủ phạm khủng bố qua điện thoại bằng TBTT trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do việc quản lý cơ sở dữ liệu về TBTT của các nhà mạng hiện nay đều đang bất ổn cả về mặt hành chính lẫn cơ sở kỹ thuật. Quy định khách hàng khi mua sim phải xuất trình CMND đã không được các đại lý bán sim, thẻ thực hiện nghiêm túc, triệt để. Mặt khác, hệ thống phần mềm quản lý thông tin TBTT của các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến việc thông tin mà khách hàng đăng ký thiếu chính xác (đăng ký sai số CMND và họ tên vẫn được hệ thống chấp nhận). Vì thế, cơ quan Công an rất khó xác định danh tính của kẻ khủng bố. Mặc dù trên thực tế, từ năm 2006 đến nay, Công an các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Bình Dương đã bắt được và xử lý hành chính đối với 5 đối tượng dùng điện thoại di động để quấy rối và khủng bố tinh thần Cảnh sát 113. Song, đó là những trường hợp đặc biệt bởi ngành Công an đã huy động một lực lượng lớn CBCS cũng như phương tiện kỹ thuật để vào cuộc. Còn với hàng vạn, hàng triệu người dân đang bị khủng bố, đe dọa tính mạng, xâm phạm cuộc sống riêng tư hiện nay thì vẫn không biết nhờ cậy vào ai. |
Ý kiến bạn đọc