Sớm “gỡ khó” cho việc giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp tăng, hành lang pháp lý chưa rõ
Trong văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND tối cao cho biết, chỉ tính riêng tranh chấp về quyền sử dụng đất (không tính tranh chấp về tài sản gắn liền với đất) thì năm 2007 ngành Tòa án thụ lý 19.564 vụ; năm 2008 thụ lý 19.730 vụ; năm 2009 thụ lý 20.080 vụ. Trong đó, tranh chấp về đất cho mượn, lấn đất, chiếm đất chiếm khoảng 50% trên tổng số các vụ án tranh chấp đất đai; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm trên 27%...
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong năm 2009 số lượng các bản án, quyết định về tranh chấp đất đai bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy 4%; sửa 7,5% (án bị sửa, hủy tập trung nhiều nhất là các vụ án tranh chấp về đất cho mượn, lấn đất, chiếm đất). Qua giám đốc thẩm, năm 2008 TAND tối cao đã hủy để giải quyết lại 107 vụ án tranh chấp về đất đai. Con số này của năm 2009 là 158 vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong khi lượng án luôn "quá tải" và không giảm mà tăng qua mỗi năm.
Ngoài ra, theo Chánh án Trương Hòa Bình, thực tiễn cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 166 Luật Đất đai thì tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên không tự hòa giải được thì phải đưa ra phường, xã, thị trấn để hòa giải trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự lại quy định "ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi".
Như vậy, giai đoạn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện hòa giải không được tính vào thời hiệu khởi kiện, dẫn đến nhiều trường hợp được hòa giải xong gửi đơn đến Tòa án thì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, làm thiệt hại quyền lợi chính đáng của đương sự.
Một vướng mắc thực tiễn phổ biến khác là: Điều 46 Luật Khiếu nại tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) cho phép người khiếu nại được quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc khiếu nại không được giải quyết. Trong khi đó, Điều 138 Luật Đất đai năm 2003 quy định: trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà tiếp tục khiếu nại thì quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.
Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng không quy định cho đương sự được quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai…
Cần chế tài xử lý cụ thể
Những "vướng mắc" của các quy định trong Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nói trên đã làm hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân, làm phát sinh khiếu nại bức xúc…
Chính vì vậy, theo kiến nghị của Chánh án Trương Hòa Bình, cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính cho phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự theo hướng đối với trường hợp đã gần hết thời hiệu khởi kiện nhưng chưa tiến hành thủ tục hòa giải tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Đất đai, thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết. Trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ yêu cầu đương sự gửi đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn tiến hành thủ tục hòa giải...
Ý kiến bạn đọc