Thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em
HGĐT- Hội LHPN tỉnh là thành viên tham gia Ban chỉ đạo Chương trình 130/CP của Chính phủ về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (PN-TE). Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để mỗi chị em hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức phòng, chống buôn bán PN-TE tại cộng đồng.
Nghề dệt lanh ở Lùng Tám (Quản Bạ) tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hội viên phụ nữ. Ảnh: Huy Toán |
Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức mở được 112 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kiến thức phòng, chống buôn bán PN-TE cho đội ngũ cán bộ chuyên trách của 11 huyện, thị, cán bộ chủ chốt phụ nữ 113 xã, thị trấn trong tỉnh, trong đó có 34 xã biên giới và trưởng thôn bản của các xã thuộc các huyện biên giới với 5.735 thành viên tham gia.
Phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quang Bình và Quản Bạ mở 11 lớp tập huấn kiến thức phòng, chống buôn bán PN-TE cho 527 anh chị em là cán bộ, giáo viên các trường học tham gia. Không chỉ mở các lớp tập huấn, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng các tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền về phòng, chống buôn bán PN-TE, phòng, chống bạo lực gia đình... tại các phiên chợ, trường học do các diễn viên không chuyên biểu diễn bằng tiếng địa phương. Kết quả, Hội Phụ nữ các cấp đã tuyên truyền được 52 cuộc với nhiều hình thức sân khấu hóa đã thu hút trên 42.000 lượt người dân tham gia. Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền tại các xã khu vực biên giới thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Để bà con các địa bàn vùng sâu, vùng xa nâng cao kiến thức phòng, chống buôn bán PN-TE, Hội Phụ nữ các cấp tích cực tuyên truyền lồng ghép nội dung phòng, chống buôn bán PN-TE thông qua các buổi sinh hoạt tổ, nhóm phụ nữ, câu lạc bộ. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Hội Phụ nữ ngành GD&ĐT các huyện tổ chức 6 Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống buôn bán PN-TE trong trường học tại các huyện với 160 thí sinh đại diện các xã, trường học tham gia. Hội thi đã thu hút được trên 8.000 cổ động viên tham gia, đồng thời tạo ra một không khí sôi nổi thu hút đông đảo lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Ngoài những hoạt động tuyên truyền trực tiếp, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền qua các tài liệu, tờ rơi, phối hợp với Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, dịch và in 400 băng đĩa hình tuyên truyền bằng tiếng địa phương có nội dung về phòng, chống buôn bán PN-TE để phát, chiếu cho bà con vùng dân tộc xem. Hội Phụ nữ các cấp còn tổ chức nhiều loại hình câu lạc bộ như “CLB xây dựng gia đình hạnh phúc”, “CLB trách nhiệm chia sẻ”... Đến nay, toàn tỉnh đã có 264 loại hình CLB thu hút gần 16.000 hội viên phụ nữ tham gia.
Cùng với các hoạt động trên, Hội Phụ nữ các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như tổ chức đào tạo dạy nghề truyền thống dệt lanh thổ cẩm của dân tộc Mông tại các xã Lùng Tám, Cán Tỷ (Quản Bạ) cho 25 chị; đào tạo dạy nghề thêu thùa các hoa văn của dân tộc Lô Lô tại thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) cho 15 chị; dạy nghề mây tre đan tại TXHG có 35 chị tham gia; hướng dẫn về kỹ thuật trồng hoa, rau sạch trái vụ cho chị em xã Quyết Tiến (Quản Bạ)...
Đặc biệt, Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ cho 26 chị là nạn nhân bị buôn bán trở về thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ về mô hình chăn nuôi bò sinh sản... Kết quả từ hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân bị buôn bán trở về và đối tượng nhóm dễ bị tổn thương, chị em đã được cải thiện về tinh thần và vật chất, đời sống từng bước nâng lên từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng từ những ngành nghề được đào tạo, đã tạo dựng cho chị em niềm tin vào cuộc sống. Mặt khác, vị thế của chị em được củng cố, chị em đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tham gia sinh hoạt với các đoàn thể. Có những chị em đã mạnh dạn tham gia tích cực làm cộng tác viên tuyên truyền trong các thôn bản, trao đổi trên diễn đàn truyền hình, chính người trong cuộc tuyên truyền có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp nhận 63 nạn nhân qua các cửa khẩu. Những nạn nhân này là người dân tộc thuộc các huyện của tỉnh ta và một số ở các tỉnh khác như Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La. Hội LHPN tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ, thuyết phục, động viên các nạn nhân và hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân để mua các đồ dùng cá nhân phục vụ cho sinh hoạt, tiền tàu xe đi, về với số tiền trên 43 triệu đồng...
Trao đổi với chúng tôi về phương hướng nhiệm vụ năm 2010, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Triệu Thị Tình cho biết: Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và những chính sách của Đảng, Nhà nước đến với toàn thể cán bộ, hội viên; tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng cồng. Phấn đấu trong năm 2010, 100% PN-TE là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về được tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng động với các hình thức phù hợp.
Ý kiến bạn đọc