Nam giới nói không với bạo lực gia đình
Hôm 25-11, Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha đã phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình với thông điệp: “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình”
Đại diện Bộ VH-TT-DL nhận định, hiện nhiều địa phương đã chú trọng các biện pháp tuyên truyền công tác phòng chống bạo lực gia đình và đánh giá “chiến dịch truyền thông này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng các gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc”.
Tính đến ngày 24-11, đã có 34 tỉnh, thành báo cáo về việc triển khai chiến dịch, trong đó có một số tỉnh như Bến Tre, Quảng Ninh, Ninh Bình đã triển khai sớm.
Chiến dịch truyền thông chống bạo lực gia đình hướng tới đối tượng là nam giới, vì “nam giới là một phần của vấn đề và là một phần của giải pháp” trong việc phòng chống bạo lực gia đình.
Tại lễ phát động chiến dịch, ông Fernando Curcio Ruigomez- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát triển quyền của người phụ nữ và bất cứ hành vi bạo lực gia đình nào cũng đều được các nhà lập pháp tại đây thừa nhận là hành vi bất hợp pháp. Đây chính là nền tảng tốt cho chiến dịch chống nạn bạo hành phụ nữ. Theo ông Trần Văn thanh - đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có truyền thống Á đông, có tới hơn 80% người dân làm nông nghiệp do đó việc “triển khai hoạt động sẽ làm thay đổi thái độ của nông dân, nhất là nam giới”,
Kết quả nghiên cứu quốc tế cho biết, 20-50% số phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực, bởi chỉ có 0,6% phụ nữ đánh chồng so với 3,4% nam giới đánh vợ. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải về hiện tượng bạo lực gia đình song có lẽ quan niệm xã hội về vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội như “xuất giá tòng phu”, “chồng chúa, vợ tôi” …cũng đóng góp một phần đáng kể. Trong khi đó, khoảng cách giữa quy định của pháp luật và thực thi trên thực tế đã làm hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ gia đình, Bộ VH-TT-DL cho biết, Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được thực hiện trong hơn một năm qua và ngày càng có nhiều vụ bạo lực gia đình được đưa ra ánh sáng, tỷ lệ người dân lên tiếng, tố cáo, yêu cầu giải quyết cũng tăng hơn trước. “ Để đánh giá hiệu quả của việc triển khai luật cần có thời gian và báo chí đã góp phần làm cho luật này có sức sống hơn trong công tác phòng chống bạo lực gia đình” - ông Vân nhận định. Theo đại diện của Bộ VH-TT-DL, phòng chống bạo lực phải được tiếp cận từ hai hướng, đó là pháp luật và văn hóa.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình thừa nhận vai trò rất quan trọng của chính quyền các ban ngành cấp cơ sở, địa phương trong việc phát hiện các vụ việc bạo hành gia đình, song chính những nơi này lại không được đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực mà việc đầu tư chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương và hiện vẫn còn thiếu các văn bản pháp lý quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện, triển khai hoạt động các trung tâm tư vấn, trợ giúp nạn nhân vẫn còn thiếu.
Ý kiến bạn đọc