'PMU 18 cho mượn ôtô vì không có chỗ chứa'
"PMU 18 không có chỗ để hàng chục ôtô, khi có đề nghị của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đã cho họ mượn để sử dụng", cựu tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng phân trần về việc điều động trái quy định hàng loạt ôtô.
Bị cáo Bùi Tiến Dũng. Ảnh: P.V |
Sau phần thủ tục, công bố cáo trạng chiếm trọn buổi sáng, chiều 24/9, TAND Hà Nội bắt đầu phần thẩm vấn làm rõ hành vi cho mượn trái quy định ôtô của "ông tổng" Bùi Tiến Dũng.
Quần âu, áo sơ mi sáng màu khá đẹp, ông Dũng nắm chặt hai tay, trả lời rành rọt HĐXX về quy trình sử dụng ôtô được mua bằng vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác để phục vụ thi công dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18.
Theo đó, về nguyên tắc, xong dự án thì các phương tiện sẽ được trả về cho PMU 18, đơn vị này báo cáo Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư)... Bộ Tài chính sẽ là cơ quan cuối cùng định đoạt số phận những xe này như giữ lại, hay giao cho đơn vị khác sử dụng hoặc bán thanh lý.
Tuy nhiên, PMU 18 đã không thực hiện đúng quy trình này. Theo cáo buộc của VKS, trong khi triển khai và kết thúc dự án, Bùi Tiến Dũng điều động cho mượn 7 xe trái quy định. Trong số này có chiếc BMW (hơn 830 triệu đồng) không chuyển cho đơn vị tư vấn thiết kế theo hợp đồng mà một tháng sau khi mua (11/1999) lại giao Công đoàn ngành giao thông vận tải sử dụng; 3 xe đưa về Công an Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa; và 2 ôtô giao Ban quản lý dự án Tả Ngạn thuộc UBND Hà Nội sử dụng và một xe đưa về Cục đường sắt. Giá trị thiệt hại trong việc đưa xe cho các đơn vị trên sử dụng là hơn 2,2 tỷ đồng.
Thừa nhận đã sai khi cho mượn xe, nhưng ông Dũng thanh minh rằng hành động "hào phóng" trên của mình không vì mục đích vụ lợi cá nhân. "Chúng tôi thậm chí không được một lời cảm ơn", bị cáo trình bày.
"Dự án sau 2-3 năm mới được thanh quyết toán. Chúng tôi không có chỗ để hàng chục chiếc ôtô trong thời gian chờ đợi trên. Khi có đề nghị của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đã cho họ mượn để sử dụng...", cựu tổng giám đốc Dũng giải thích.
Chủ tọa hỏi: "Sao họ biết PMU 18 có xe mà mượn?". Bùi Tiến Dũng đáp: "Chắc tại người những cơ quan này có con cháu làm việc ở PMU 18 nên biết được thông tin chúng tôi có nhiều xe không sử dụng".
Trong 7 đơn vị sử dụng xe của PMU 18 chỉ có Công an quận Đống Đa, Cầu Giấy và Cục đường sắt cử đại diện tới phiên xử. Hai cơ quan công an cho biết xe được mượn đều dùng để phục vụ việc giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm không hề sử dụng cá nhân. Còn Cục đường sắt trình bày do biết đơn vị mới thành lập, thiếu phương tiện hoạt động nên PMU 18 đã chủ động cho mượn...
Khép lại phần cho mượn xe, tòa chuyển sang làm rõ việc chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của 4 cựu cán bộ PMU 18 (Bùi Thu Hạnh, Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thị Thanh Hòa) khi lập khống hợp đồng thuê nhà, ôtô và tiền lương... để yêu cầu nhà thầu thanh toán cho tư vấn giám sát dự án. Theo VKSD Tối cao, hành vi này của họ đã phạm vào tội tham ô, chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Người được HĐXX "quan tâm" đặt câu hỏi không phải là nhóm bị cáo đang ngồi trước vành móng ngựa mà là ông Khoa (Trưởng phòng tài chính kế toán, đại diện cho PMU 18 tại tòa).
Ông Khoa giải thích, PMU 18 là đại diện chủ đầu tư ký một số hợp đồng với nhà thầu theo thủ tục trọn gói. Do vậy, việc cung cấp nhà, bố trí xe.... cho tư vấn giám sát là do phía nhà thầu chịu trách nhiệm. "Họ phải tự cân đối, lời ăn lỗ chịu", ông Khoa khẳng định.
Áp dụng ngay vào trường hợp bị cáo Lê Thị Thanh Hòa (phó phòng PID 6) bị cáo buộc lập khống 3 hợp đồng thuê nhà cho kỹ sư tư vấn giám sát, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng, chủ tọa hỏi ông Khoa: "Thực tế không có người đến ở tại những căn nhà trên. Ở đây ai là người bị thiệt?".
Đại diện PMU 18 đáp ngay tức thì: "Đây là quyền của người sử dụng. Họ có thể không ở, nhưng vẫn ký xác nhận thanh toán cho việc này. Tiền bị mất là của nhà thầu. Họ quản lý tốt thì lãi nhiều, nếu không thì phải chịu".
Ông Khoa khẳng định, các chứng từ thanh toán tại dự án cải tạo quốc lộ 18 được các cơ quan có chức năng kiểm tra và kết luận là đúng trình tự, thủ tục. Các bảng kê thanh toán đều có chữ ký của phía tư vấn.
Chủ tọa hỏi lại nhiều lần bị cáo Dũng và ông Khoa: "Nếu không có việc thuê nhà, thuê xe mà phía tư vấn vẫn xác nhận là có thì có được thanh toán không?". Câu trả lời đều là: "Được". Trường hợp không có chữ ký của tư vấn thì không thể thanh toán.
Trước diễn biến mới của phiên xử, tòa nghỉ hội ý. Sau khoảng 15 phút, HĐXX ra thông báo: "Có những tình tiết phát sinh, để xác định hành vi các bị cáo đúng như đã quy kết, tòa tuyên bố hoãn phiên xử để có thời gian làm rõ". Phiên xử tạm dừng, chưa định ngày mở lại.
Nghe xong thông báo, Bùi Tiến Dũng và 4 thuộc cấp bớt căng thẳng, họ khẽ mỉm cười, quay sang trò chuyện. Còn các luật sư cho rằng đây là quyết định sáng suốt của HĐXX, vui vẻ rời phòng xử án.
Trong quá trình điều tra, Bùi Tiến Dũng còn bị phát hiện đã điều động 23 ôtô cho các đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành giao thông vận tải mượn. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng đã điều động trong phạm vi cơ quan chủ đầu tư sử dụng, có bút phê hoặc văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông để phục vụ công tác một số cơ quan chức năng... nên không xem xét xử lý. |
Ý kiến bạn đọc