Một vụ lừa đảo chưa từng có ở Việt Nam
Không chỉ là số tiền lừa đảo lớn (trên 3 triệu USD), lừa các doanh nghiệp, mà quan trọng là phương thức lừa đảo liều lĩnh, tinh vi chưa từng có ở Việt Nam như mạo danh Văn phòng Tổng thống Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)...
Nguyễn Thanh Hà đã mạo danh cả Văn phòng Tổng thống Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)... và sau đó gửi công văn tới cả Văn phòng Interpol Việt Nam xin xác nhận, gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm giải quyết... Tất cả giấy tờ đó y dùng làm "bùa" để lừa đảo.
Không thể liều lĩnh hơn
Đối tượng Nguyễn Thanh Hà (sinh năm 1959) tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, làm ở Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng (1981 -1984) và sau đó làm việc ở Cục Phục vụ ngoại giao đoàn - Bộ Ngoại giao (1985 -1994). Hà thành lập Công ty TNHH Thanh Hà (có trụ sở ở Hà Nội) với vai trò là giám đốc. Y đã từng thuê trụ sở ở nhà A, làng sinh viên Hacinco, rồi đổi về nhà N3B, Lê Văn Lương (Hà Nội) và trú tại C1, 105 Ngọc Khánh, Ba Đình (Hà Nội).
Để lừa đảo các doanh nghiệp, Hà đã lập tới 9 dự án với trị giá hàng trăm triệu USD của một số nước ở Châu Phi đầu tư vào Việt Nam thông qua... công ty TNHH Thanh Hà (!?). Tuy nhiên, Hà thực tế mới sử dụng 6 dự án đã... lừa được hơn chục nạn nhân với trị giá trên 3 triệu USD thì bị bắt.
Đặc biệt, trong đó có bộ hồ sơ (rởm) có đầy đủ dấu, ký xác nhận của Ngân hàng Bắc Dakota - Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Abujia, Nigeria, Văn phòng Tổng thống Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tại Mỹ..., "xác nhận" Nguyễn Thanh Hà có khoản vốn 22 triệu USD của Chính phủ Nigeria qua Ngân hàng Bắc Dakota chuyển về Việt Nam xây dựng khách sạn, văn phòng cao cấp (?!).
Hà làm công văn gửi tới Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính của Việt Nam cho biết "trong vòng 7 ngày cơ quan chúng tôi phải xuất trình giấy chứng nhận miễn thuế hoặc không nộp thuế quốc tế (IATC) cho cơ quan thuế Hoa Kỳ để giải ngân khoản tiền trên...". Tiếp đó, Hà đề nghị "tạo điều kiện cho phép và phê duyệt khoản thanh toán phí 300.000 USD bao gồm các phí công chứng và thuế tem cho Chính phủ Nigeria theo quy định".
Thậm chí, trong một dự án khác, Hà còn gửi tới Văn phòng Interpol Việt Nam để chứng thực văn bản có nội dung: "Ban Tổng Thư ký Interpol ở Lyon, Pháp đã xác nhận tính xác thực, minh bạch và chính xác của dự án Công ty TNHH Thanh Hà trúng thầu quốc tế hợp đồng cung cấp áo phông cho Công ty Bolta River Authority (Cộng hòa Ghana) trị giá 20 triệu USD". Nhưng Văn phòng Interpol Việt Nam không thể xác nhận.
Thủ đoạn "xưa như trái đất"
Sau khi đưa ra các "dự án xuyên quốc gia" trị giá mỗi dự án... vài chục triệu USD để các đối tác tin, Hà lấy lý do cần tiền: 22 triệu USD đang bị ách lại tại Mỹ vì các cơ quan chức trách tại đây yêu cầu phải xác nhận số tiền trên không phải là hành vi rửa tiền; và tiền mang về Việt Nam để đầu tư thì mới được giải ngân. Ngoài ra, Hà còn rất nhiều tiền nhưng đang nằm tại ngân hàng nước ngoài vì gặp vướng mắc về thủ tục... nên cần phải đóng một khoản tiền thì mới giải ngân được...
Sau đó, Hà đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân ứng trước khoản tiền để giải ngân, với lời hứa sau khi nhận tiền từ nước ngoài về, Hà sẽ cho vay nhiều triệu USD với lãi suất thấp, đồng thời hứa thưởng hàng trăm nghìn USD. Và chỉ từ năm 2007 đến nay, sau khi lừa đảo được 7 cá nhân, doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa trên 2 triệu USD, y ra Hà Nội lừa đảo tiếp cũng từng ấy người ở Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh với số tiền trên 1 triệu USD.
Nhưng khi thực hiện lệnh khởi tố bị can, khám xét trụ sở, nơi làm việc của Nguyễn Thanh Hà, Cơ quan ANĐT - CA TP.Hà Nội khá bất ngờ không thấy bóng dáng một đồng tiền nào. Trưa 20.4, tại trại tạm giam CA TP.Hà Nội, khai trước cán bộ điều tra, Hà vẫn cho rằng mình không lừa đảo.
Trước đó, khi bị bắt quả tang đang nhận tiền của nạn nhân tại khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội), Hà vẫn còn lớn tiếng dọa cả các trinh sát: Nếu tôi không kịp giải ngân 22 triệu USD thì các anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Y còn yêu cầu cung cấp đường dây nóng gọi đến Bộ trưởng Bộ Công an để... nói chuyện!
Ý kiến bạn đọc