Tích cực phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
HGĐT- Trong năm 2008, giá cả hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá phức tạp và luôn biến động do chịu ảnh hưởng xu thế chung của thế giới và trong nước. Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, nhất là vào tháng 7 đã kéo theo nhiều loại dịch vụ, hàng hóa tăng theo, trong đó giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng là những nhóm tăng mạnh nhất. Xu hướng tăng nhanh, giảm chậm cũng là tình trạng chung và kéo dài của thị trường Hà Giang.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là BCĐ 127) của tỉnh mà nòng cốt là các lực lượng chức năng như: Chi cục Quản lý thị trường; Công an tỉnh; Cục Hải quan; Chi cục Kiểm lâm; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Bộ CHQS tỉnh… đã tăng cường kiểm tra, thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế làm phát, bình ổn giá cả thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Với sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành, các địa phương, KT-XH của tỉnh ta trong năm qua tiếp tục được duy trì và có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (12,05%). Các lực lượng chức năng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hóa đơn chứng từ theo quy định về các mặt hàng nhập khẩu; thường xuyên nắm diễn biến tình hình thị trường, tổ chức tốt công tác nắm đối tượng kinh doanh; duy trì công tác kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, xuất xứ hàng hóa, các quy định về VSATTP đối với hàng hóa lưu thông trên trên thị trường. Trong điều kiện thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động, giá cả hàng hóa tăng cao… để chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa trục lợi, gây rối loạn thị trường, các lực lượng chức năng đã đặc biệt chú ý đến các mặt hàng thiết yếu như: Xăng, dầu, sắt thép, xi măng, thuốc tân dược, lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, phân bón, vật tư nông nghiệp… qua đó đã ngăn chặn kịp thời các hiện tượng lợi dụng biến động giá cả thị trường, thiên tai dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127, trong năm 2008, tình hình hàng hóa xuất, nhập khẩu lậu qua tuyến biến giới thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang không phức tạp, không hình thành các tụ điểm buôn lậu lớn. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số vụ việc buôn lậu nhỏ một số mặt hàng như: Hàng điện dân dụng, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, phân bón, gạo… Trong thị trường nội địa, đặc biệt thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2009, hoạt động buôn lậu có chiều hướng gia tăng do nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, mặt hàng chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thông thường như: Trứng gia cầm, gia cầm, quần áo rét…
Kết thúc năm 2008, các ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo 127 đã kiểm tra xử lý 1.271 vụ, với tổng số tiền thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 10 tỷ đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng, tiền bán hàng và phương tiện tịch thu trên 1 tỷ 300 triệu đồng, tiền truy thu thuế 6 tỷ 780 triệu đồng… so với năm 2007 giảm 94 vụ, song lại tăng hơn 7 tỷ đồng số tiền nộp ngân sách Nhà nước.
Bước sang năm 2009, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục được Ban chỉ đạo 127 coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển KT-XH, mở rộng thị trường biên giới tại các cửa khẩu, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo đó công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân về chủ trương, chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ để các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên thị trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tiếp tục thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu trốn thuế, buôn bán hàng cấm lưu thông; xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm dây dưa nợ đọng thuế, trốn lậu thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước; phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định, quay vòng hóa đơn, gian lận kê khai hàng hóa xuất, nhập khẩu và các hành vi gian lận khác. Trọng tâm kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng vật nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng thực phẩm công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm không thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y; ngăn chặn việc nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng qua biên giới; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất và tiêu dùng ở địa phương; chủ động nắm bắt biến động xấu trên thị trường, có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh giá, ngăn ngừa việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa để trục lợi… Các ngành chức năng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tạo ra sự liên thông linh hoạt để chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc