Thuê tư nhân khắc dấu cho cấp dưới
Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ đang kiểm tra số con dấu thu được tại các xã thuộc 2 huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. |
Sự việc được phát hiện khi anh Lê Quang Hợp, cán bộ Phòng Nội vụ của UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tới Phòng QLHC về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ liên hệ khắc 2 con dấu cho Hội Chữ thập đỏ của huyện và các xã trên địa bàn huyện Tân Sơn (do huyện này mới được tách ra từ huyện Thanh Sơn năm 2007).
Theo quy định của Nhà nước, khi tổ chức hoặc cá nhân nhận dấu mới thì cơ quan sử dụng dấu phải nộp lại con dấu cũ và giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, nhưng anh Hợp cho biết, hiện Hội Chữ thập đỏ ở các xã của huyện Tân Sơn chưa khắc dấu và đang sử dụng "nhờ" dấu của Mặt trận Tổ quốc huyện mỗi khi cần phải đóng dấu.
Tuy nhiên, khi anh Hợp nhận dấu tại cơ sở khắc dấu của Công an tỉnh đã đem theo 6 con dấu cũ đã thu lại tại 6 xã để yêu cầu làm theo mẫu cũ.
Qua kiểm tra, từ năm 1997 tới nay, cơ sở khắc dấu của Công an tỉnh Phú Thọ đã không khắc dấu trên chất liệu gỗ mà đã thay bằng chất liệu đồng. Vì thế, khi nhìn những con dấu bằng gỗ trên, cán bộ thường trực khắc dấu đã nghi ngờ và báo cáo lãnh đạo đơn vị cho xác minh lại; đồng thời thông báo Công an huyện Tân Sơn, yêu cầu thu hồi toàn bộ số dấu ở các xã trên địa bàn huyện (gồm 9 con dấu).
Quá trình xác minh cho thấy, từ năm 1997 đến năm 2003, (thời điểm thực hiện NĐ62/CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng con dấu) trong sổ đăng ký con dấu của Công an tỉnh Phú Thọ không lưu chiểu các mẫu con dấu của Hội Chữ thập đỏ các xã của huyện Thanh Sơn (cũ); số dấu trên không đúng với mẫu mà Bộ Công an quy định. Mặt khác, kể từ năm 1997 tới nay, Công an tỉnh Phú Thọ đã chuyển từ chất liệu gỗ sang chất liệu đồng để khắc dấu…
Từ những căn cứ trên, cơ quan chức năng đã khẳng định, toàn bộ số con dấu của Hội Chữ thập đỏ cấp xã của 2 huyện Thanh Sơn và Tân Sơn không nằm trong hệ thống con dấu do Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ quản lý.
Dựng lại bộ máy Chữ thập đỏ của huyện Thanh Sơn (cũ), thời điểm những năm 1997 - 1999, (thời điểm tỉnh Vĩnh Phú cũ được tách thành 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) thì thấy rằng:
Cuối năm 1999, ông Trần Văn Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn (nay đã nghỉ hưu) có thuê Dương Minh Tuyết (48 tuổi), thường trú tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ khắc 40 bộ dấu chất liệu bằng gỗ cho Hội Chữ thập đỏ 40 xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Sơn (cũ), bao gồm 1 dấu tròn, 1 dấu chức danh và 1 dấu tiêu đề, với giá tiền thỏa thuận là 160.000đ/bộ (trong khi nếu đăng ký tại cơ quan Công an thì số tiền cho mỗi bộ dấu là 314.000/bộ).
Sau hơn 5 tháng thực hiện, Tuyết đã bàn giao cho ông Chuẩn được 39 dấu tròn cùng dấu chức danh và tiêu đề, còn lại 1 bộ dấu của xã Xuân Sơn, Tuyết giữ lại không giao vì xã này không trả tiền. Sau khi nhận số dấu trên, ông Chuẩn đã bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ các xã để sử dụng cho đến khi bị phát hiện.
Tại cơ quan Công an, ông Trần Văn Chuẩn đã khai nhận: Do mối quan hệ quen biết từ trước đối với Dương Minh Tuyết, nên khi nghe Tuyết giới thiệu cơ sở khắc dấu của Tuyết được Nhà nước cho phép hoạt động nên ông Chuẩn đã thuê Tuyết khắc toàn bộ số dấu cho 39 xã, thị trấn của huyện Thanh sơn cũ; mặt khác do nhận thức còn hạn chế nên ông Chuẩn không nắm được thủ tục khắc dấu là phải xin giấy phép của cơ quan Công an nên mới vi phạm.
Cũng tại đây, Dương Minh Tuyết đã nhận toàn bộ hành vi khắc dấu trái phép của mình. Vì hám tiền nên dẫu biết rằng việc khắc dấu trái phép là vi phạm pháp luật nhưng Tuyết vẫn cứ làm.
Ngoài 39 con dấu của Hội Chữ thập đỏ các xã nêu trên, Tuyết còn khai nhận cùng thời điểm này, Tuyết còn nhận đã khắc một số con dấu cho Trạm Y tế xã trong huyện Yên Lập.
Được biết, năm 2002, Dương Minh Tuyết bị Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về hành vi khắc dấu trái phép và thu hồi toàn bộ phương tiện khắc dấu.
Hiện cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 36 con dấu và đang hoàn tất hồ sơ xử lý các đối tượng trên.
Ý kiến bạn đọc