Làm rõ đường dây làm giả hồ sơ đưa trẻ em ra nước ngoài
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Ðịnh mới đây đã khởi tố và bắt tạm giam ba bị can liên quan đến việc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trong quá trình làm hồ sơ đưa trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi.
Mắt xích đầu tiên của đường dây phạm tội
Ðối với ông Vũ Ðình Lợi sau khi có Thông báo số 68/PC14 ngày 12-6-2008 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Ðịnh về việc khởi tố và bắt tạm giam, ngày 1-7-2008, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Ý Yên Ninh Viết Chức đã ký Quyết định số 38 đình chỉ sinh hoạt Ðảng đối với ông Lợi - Bí thư chi bộ - Trưởng trạm Y tế sinh hoạt tại Chi bộ Trạm y tế, Ðảng bộ xã Yên Tiến.
Cũng trong ngày 1-7-2008 sau khi căn cứ thông báo về việc bắt tạm giam số 99/CSÐT ngày 16-6-2008 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Ðịnh đối với ông Trương Công Lịch về tội: "Cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức", chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Ý Yên đã ký Quyết định số 39 đình chỉ sinh hoạt Ðảng đối với ông Lịch - đảng viên, Trưởng trạm Y tế xã sinh hoạt tại Chi bộ An Nhân, Ðảng bộ xã Yên Lương. Hai bị can bị đình chỉ sinh hoạt Ðảng trong thời gian ba tháng để phục vụ cho công tác điều tra của Cơ quan công an.
Qua điều tra, chúng tôi được biết, Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi TP Nam Ðịnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên, huyện Trực Ninh, huyện Giao Thủy thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thành phố. Tài liệu lưu trữ của ngành tư pháp Nam Ðịnh cho thấy Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên, huyện Trực Ninh và xã Xuân Hùng, huyện Xuân Trường trong quá trình hoạt động đã từng bàn giao con nuôi cho người nước ngoài.
Cụ thể, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh trong năm 2006 bàn giao 63 trẻ em làm con nuôi, năm 2007: 72 trẻ em, năm 2008: 18 trẻ em. Tổng cộng trong ba năm là 153 trẻ em. Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên năm 2006 bàn giao 30 trẻ em làm con nuôi, năm 2007: 46 trẻ em, năm 2008: 24 trẻ em. Tổng cộng trong ba năm là 100 trẻ em. Trung tâm Bảo trợ xã hội xã Xuân Hùng, huyện Xuân Trường bàn giao một trẻ em làm con nuôi người nước ngoài vào năm 2007. Như vậy, đã có 254 trẻ em được các ngành chức năng làm thủ tục cho người nước ngoài có quốc tịch Pháp, Italia, Mỹ nhận làm con nuôi.
Giám đốc Sở Tư pháp Nam Ðịnh Lê Cao Tuyên cho biết, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên, Trực Ninh thành lập theo Nghị định 25/2001/NÐ-CP ngày 31-5-2001 của Chính phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở Bảo trợ xã hội.
Ngày 30-5-2008, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2008/NÐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở Bảo trợ xã hội thay cho Nghị định 25. Cả hai Nghị định 25 và 68 đều nêu rõ việc thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội tại các địa phương là quyền của UBND huyện ra quyết định.
Giám đốc Sở Tư pháp Nam Ðịnh khẳng định: "Hồ sơ giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài rất chặt chẽ, bài bản theo đúng quy định của pháp luật hiện hành". Riêng hồ sơ trẻ em có tất cả 11 loại giấy tờ liên quan như giấy khám sức khỏe; bản thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu trẻ bị bỏ rơi); đơn của người phát hiện ra trẻ em và đề nghị cho trẻ em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; quyết định tiếp nhận trẻ em vào trung tâm của giám đốc trung tâm; biên bản bàn giao trẻ em cho trung tâm; biên bản xác định trẻ em bị bỏ rơi; biên bản xác minh địa chỉ người mẹ (nếu có địa chỉ); bản tường trình của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, bản cam đoan của giám đốc trung tâm, giấy khai sinh của trẻ em và cuối cùng là giấy thỏa thuận cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Sau đó, mỗi trẻ em đều có bốn bộ hồ sơ do Trung tâm Bảo trợ xã hội cung cấp và Sở Tư pháp có trách nhiệm chuyển một bộ về Công an tỉnh để xác minh nguồn gốc trẻ em, trình tự thủ tục đăng ký hộ tịch, vấn đề an ninh khi người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi. Căn cứ kết quả trả lời của Công an tỉnh nếu đủ điều kiện thì Sở gửi một bộ hồ sơ kèm kết quả xác minh về Cục con nuôi Quốc tế (Bộ Tư pháp) để giải quyết. Tiếp đó, Cục con nuôi Quốc tế (Bộ Tư pháp) gửi công văn và chuyển toàn bộ hồ sơ của người nước ngoài xin con nuôi để Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ra quyết định cho người nước ngoài được nhận trẻ em làm con nuôi. Cuối cùng khi đã có quyết định của UBND tỉnh thì Sở Tư pháp tổ chức để Trung tâm Bảo trợ xã hội bàn giao trẻ em cho người nước ngoài nhận con nuôi ngay tại văn phòng Sở và chuyển toàn bộ hồ sơ, các biên bản bàn giao cho Bộ Tư pháp để lưu giữ lâu dài.
Như vậy, phải có "đường dây" đưa trẻ em ra nước ngoài liên quan nhiều đối tượng, hoạt động trong thời gian dài. Việc khởi tố ba bị can mới chỉ là khâu đầu để bóc gỡ đường dây phạm tội buôn bán trẻ em.
Nguyên nhân và trách nhiệm
Về cán bộ lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Trực Ninh và Ý Yên, ngày 28-2-2005, UBND huyện Trực Ninh ra quyết định bổ nhiệm ông Vũ Ðình Khản giữ chức Giám đốc Trung tâm, ngày 28-3-2006, UBND huyện Ý Yên ra quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Lương làm Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện.
Một vấn đề đáng quan tâm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên là ngay từ khi thành lập cơ sở vật chất cũng như đội ngũ con người tại đây không bảo đảm quy định đề ra. Luật Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 2000 và Nghị định 36/NÐ-CP năm 2005 về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã quy định: Các cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ phải bảo đảm diện tích phòng ăn ở ít nhất 9 m2/cháu và phải có một bảo mẫu/cháu dưới 18 tháng tuổi. Tuy nhiên hiện nay cơ sở vật chất của Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên rất nghèo nàn, thiếu thốn. Cả trung tâm là bốn gian nhà cấp 4 thì một gian dành cho bảo vệ, một gian làm phòng điều hành của trung tâm. Hai gian còn lại có diện tích mỗi gian 20 m2 làm nơi chăm sóc, nuôi dưỡng 11 cháu từ ba đến hơn sáu tháng tuổi. Tại đây chỉ có bốn bảo mẫu trực tiếp nuôi dạy các cháu bé.
Trao đổi ý kiến với Chủ tịch UBND xã Yên Lương Nguyễn Thanh Ngung, chúng tôi được biết, bị can Trương Công Lịch sinh năm 1974, đã có thời gian làm Trưởng trạm Y tế xã từ năm 2001. Từ khi công tác tới nay là người năng nổ trong công việc được giao. Thời gian vừa qua Lịch có tham gia làm hồ sơ về nguồn gốc trẻ sơ sinh để chuyển tới Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ý Yên.
Chủ tịch Nguyễn Văn Ngung, nói: "Khả năng có nhiều hồ sơ đã bị mạo danh chữ ký sau đó được đưa đến cho văn thư của xã đóng dấu. Bây giờ phải trưng cầu giám định lại mẫu chữ ký. Chính quyền xã xác nhận là có sơ suất, chủ quan, không kiểm tra kỹ càng hồ sơ".
Có thể thấy, trong cả thời gian dài thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh và Ý Yên, chính quyền các địa phương đã không quan tâm đúng mức hoạt động tại đây.
Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh Nguyễn Mạnh Ðạt nói rằng: Chúng tôi chỉ quản lý xem việc nuôi dưỡng trẻ có tốt hay không còn việc cho đi làm con nuôi ở nước ngoài là thuộc về Sở Tư pháp cũng như việc cho xuất nhập cảnh là do Công an tỉnh.
Là nơi "khai sinh" ra Trung tâm Bảo trợ xã hội Ý Yên nhưng phải đến khi có Thông báo kết luận số 75 ngày 4-7-2008 của UBND tỉnh giao cho huyện Ý Yên bảo đảm điều kiện nuôi dạy 11 trẻ sơ sinh tại trung tâm bảo trợ thì đến ngày 9-7-2008, UBND huyện mới có Văn bản số 36 với nội dung chỉ đạo các ban ngành triển khai các biện pháp như phòng y tế thực hiện chức năng quản lý về y tế, thường xuyên chỉ đạo bảo đảm các điều kiện về chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Phòng tài chính kế hoạch kiểm tra, kiểm soát kinh phí hoạt động của trung tâm bắt đầu từ ngày 1-7-2008 và kiểm kê, dự trù mua sắm các trang thiết bị bảo đảm đủ điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm cho các cháu theo quy định đồng thời tham mưu cho UBND huyện cân đối hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện. Ðặc biệt trong Văn bản số 36 ngày 9-7 UBND huyện Ý Yên đã yêu cầu Công an huyện báo cáo Công an tỉnh để xác minh làm rõ nguồn gốc 11 trẻ sơ sinh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện.
Việc khởi tố và bắt tạm giam ba bị can phạm tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" trong quá trình làm hồ sơ đưa trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi là sai phạm nghiêm trọng đang được Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Ý kiến bạn đọc