Nỗi lòng những tội phạm tuổi 9X

09:54, 18/01/2008
Trường giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an là nơi những tội phạm 9X đang học tập, rèn luyện. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một tội danh khác nhau nhưng chúng có một điểm chung, phạm tội khi tuổi thơ phải chịu những sóng gió của bạo lực gia đình, cha mẹ ly tán. Trong những tâm hồn sớm cằn cỗi này, đâu đó vẫn le lói chút thiên lương cần người đời, nhất là những người thân, vun xới.

 
 Những phút gần gũi, sẻ chia cùng quản giáo đã tạo cho trẻ phạm tội một niềm tin vào cuộc sống.
Thoáng một nụ cười, khuôn mặt chợt bừng sáng khác với cái vẻ ngang tàng, hoang dại thường ngày khi Nhân “ bật mí” cho tôi nghe về cái ước mơ nhỏ nhoi của em.

Nhân ước sau này ra trường em sẽ có một mái ấm để trốn cái nắng, hay những cơn mưa dầm thối đất của Huế. Mái ấm ấy còn có cha, có mạ luôn chờ em mỗi chiều đi làm về. Nhưng chỉ phút chốc, khuôn mặt em lại trở nên đen sạm, đôi mắt vô thần. Nhân chặc lưỡi:” Đấy chỉ là giấc mơ thôi”...

Có lẽ khi sinh ra Nhân, cha mạ cũng mong muốn em lớn lên sẽ nên người. Nhưng mới 5 tuổi, tuy vẫn còn cả cha lẫn mạ nhưng nó chẵng khác đứa trẻ mồ côi. Cha bỏ vào miền Nam với người phụ nữ khác, mạ bỏ nó vui duyên mới... Thằng bé Nhân trở thành cái gai trong mắt, một cục nợ bị chối bỏ  với những lời chì chiết của bà nội và người cô.

12 tuổi, Nhân đã bỏ nhà lang thang sống vất vưởng ở gầm cầu Tràng Tiền, hay công viên Sông Hương. Nhớ mạ, thèm có được vòng tay yêu thương của mạ quá, Nhân mò ra ga trốn vé, nhảy  tàu Thống Nhất vào Đà Nẵng tìm mạ. Nhưng  nó chỉ trộm nhìn mạ từ xa rồi lủi thủi trở về sợ...mạ khó xử với dượng và các em.

Lang thang bụi đời trộm cắp vặt không gì Nhân không trải qua, và mỗi ngày Nhân càng trở nên lỳ lợm, hoang tàng hơn. Ở gầm cầu Tràng Tiền nó gặp và kết băng với Huỳnh Đức Long, một tội phạm hình sự đang bị truy nã toàn quốc và Trần Văn Châu một đối tượng bỏ nhà lang thang. Và thế là  từ năm 2005 đến 2006 với sự chỉ đạo của đại ca Long, nhóm Long, Nhân, Châu  liên tục  là những hung thần bóng đêm làm mưa làm gió, chuyên dùng hung khí đe doạ trấn cướp tài sản của những cặp tình nhân tại  các công viên dọc 2 bên bờ sông Hương - Huế.

Mỗi đêm chúng thực hiện từ 2 đến 3 vụ  trấn cướp tài sản. Tất cả số tiền cướp được cả bọn nướng hết vào các  cuộc nhậu và tại các các quán internet. Phi vụ cuối cùng của Nhân  trước khi bị Công an Thừa Thiên Huế bắt quả tang là vào lúc 2h sáng ngày 18/9/2006 trên đường Trần Hưng Đạo, khi Nhân cùng đồng bọn cướp tài sản của một người đàn ông 50 tuổi tại khu vực Đại Nội - Huế...

Tôi hỏi Nhân, mẹ và bà nội có biết Nhân bị bắt và hiện đang ở trường giáo dưỡng số 3 không? Mắt ngấn lệ,...Nhân lắc đầu...Đã hơn 1 năm nay em không được gặp mẹ, bà và cô cũng không biết em ở đâu....!

Cũng như Nhân, 15 tuổi thân hình nhỏ thó quắt queo như trẻ lên 8, nhưng Võ Văn Kiệt (SN 1993) lại chính là hung thủ của một vụ án mạng tại tỉnh Gia Lai vào đầu năm 2007 khi  đang là học sinh lớp 7.

Kiệt là con trai thứ 2 trong một gia đình lao động nghèo. Một mình cha Kiệt bào, dũa với  nghề thợ mộc để nuôi 1 vợ và 4 đứa con dại. Khó khăn, nghèo túng nhưng ông vẫn cố gắng vay mượn để lo cho 4 anh chị em Kiệt được cắp sách đến trường.

Năm Kiệt lên 9 tuổi, căn bệnh ung thư đã cướp đi người cha, chỗ dựa của cả gia đình. Mẹ Kiệt quá vất vã với gánh nặng một mình lo toan cơm áo cho 5 miệng ăn nheo nhóc và nợ nần chồng chất, nên đành gá nghĩa với một người đàn ông khác  hằng mong sẽ thay thế cha Kiệt làm chỗ dựa cho bản thân và các con.

Mải bộn bề với nỗi lo toan, mưu sinh cho cuộc sống, mẹ Kiệt đâu biết rằng cái thằng Kiệt bé hạt tiêu, nhút nhát, hiền lành ngoan ngoãn, năm học nào cũng đem về khoe mẹ giấy khen học sinh tiên tiến và những bài thủ công được cô cho điểm 10 vì cái biệt tài khéo tay, hay làm, từ lâu đã là  1 học sinh cá biệt, nó có rất nhiều những “ kẻ thù” ở trong và ngoài trường. Trong cặp đi học của nó ngoài sách vỡ, bút viết bao giờ cũng thủ sẵn một con dao bấm tậu được sau bao lần ky cóp từ số tiền ít ỏi mẹ phát ăn sáng để “phòng thân”.

Vào chiều 23/2/2007, khi cậu con trai đôi mắt ráo hoản, run rẩy chạy về tìm mẹ  báo: “Trên đường đi học về, chỉ cách cổng trường chừng ấy chục mét,  nó đã bị một nhóm bạn chặn lại đánh hội đồng. Uất ức, thằng bé đã rút con dao bấm trong cặp ra đâm trả lại các bạn. 2 nhát dao oan nghiệt của nó sâu thẳng vào tim, cướp đi sinh mạng cậu học sinh lớp trên cùng trường và khép lại những ngày bình yên cắp sách đến trường của Kiệt”. Mẹ Kiệt đổ sụp người xuống, mà bật khóc trong tiếng nấc muộn màng....

Vẫn còn cái răng sâu  bị sún, vào trường đã gần năm nhưng vẻ hoảng hốt, dáo dác sợ sệt vẫn còn trên gương mặt của Phạm Việt Tú (16 tuổi).

Quê ở TP PlâyKu, Gia Lai, 3 anh em Tú hàng ngày phải chịu đựng cảnh người cha sáng xỉn chiều say, đánh đập hành hạ vợ con. Anh em Tú sợ những trận đòn roi của cha đễn nỗi chúng giống như những con chó run rẩy nép vào xó nhà chờ sự trừng phạt của chủ nếu lỡ có mắc vào một tội gì đó. Chính vì nỗi ám ảnh đó  mà Tú đã giết người.

Buổi sáng hôm ấy, Tú nghỉ học ở nhà trông giúp em cho mẹ, hai anh em dắt nhau qua bà hàng xóm chơi. Bà cụ hàng xóm ngoài 80 nên rất khó tính, bà nặng lời mắng nhiếc và đe doạ sẽ mách lại cha Tú để trừng trị anh em nó vì cái tội dám xin thêm kẹo và lỡ tay làm vỡ một số đồ đạc nhà bà...

Cố nài nỉ, van xin nhưng bà lão vẫn cứ khăng khăng, Tú dắt em về nhà mà cứ tưởng tượng, khiếp hãi đến trận đòn thừa sống thiếu chết sắp đến của cha. Một ý nghĩ nông cạn chợt hiện lên trong cái đầu hoảng loạn của Tú. Thả em ở nhà, nó quay trở lại nhà hàng xóm...nháo nhác vơ lấy chiếc chày để ở góc bếp và cứ thế đập mạnh liên tiếp vào đầu bà lão.....

9X - những đứa trẻ sinh từ năm 1990 - 2000 - là độ tuổi với nhiều bồng bột non nớt trong suy nghĩ cũng như trong nhận thức về cuộc sống. Nếu như gia đình đã không thực sự là một tổ ấm, không thực sự là nơi bảo vệ, chở che cho chúng trong giai đoạn phát triển hết sức nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dễ bị tác động này thì chúng  rất dễ vấp ngã  và những điều đáng tiếc  xảy ra là không thể tránh khỏi.

Vào trường những đứa  trẻ lầm lỗi  như Tú Kiệt, Nhân được những người thầy, người quản giáo tận tâm với nghề, trách nhiệm với công việc và luôn cho chúng cảm nhận được tình người, lòng yêu thương, gần gủi, xẻ chia, cảm thông để cảm hoá được những tâm hồn hoang dại, non nớt trong suy nghĩ kia...

Nhưng ra trường, tương lai của chúng sẽ ra sao?


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

4 sinh viên vác súng đi cướp
6 tên cướp trong đó có 4 sinh viên Trường Cao đẳng GTVT Thái Nguyên mang theo hai khẩu súng đã khống chế, ép một đôi nam nữ lên xe máy, đưa ra cánh đồng vắng để cướp tài sản. Vụ cướp xảy ra ở Từ Liêm, Hà Nội.
31/12/2007
Góp một “nhành Xuân” hạnh phúc
(HGĐT)- Phường Trần Phú (thị xã Hà Giang, có 17 tổ nhân dân, 1.916 hộ với 7.127 nhân khẩu, trong đó chiếm khoảng 30% là người lao động tự do phổ thông.
31/12/2007
Tài xế xe “điên” định dùng tiền “chuộc lỗi”
Trí, tài xế xe “điên” gây tai nạn tối 27/12, nói trong tâm trạng không ổn định: "Tôi biết tôi gây hậu quả lớn lắm. Tôi xin lỗi và tôi sẽ bù lại cho những người bị gây hậu quả". "Anh định bù lại bằng gì?". Trí cúi đầu ấp úng trả lời: "Bù bằng vật chất".
30/12/2007
Một số thủ đoạn lừa đảo người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Bộ Lao động - Thương binh – Xã hội cho biết, thời gian gần đây, một số đối tượng lợi dụng Chương trình cấp phép lao động (EPS) để lừa đảo các lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc. Chúng thu của người lao động số tiền lớn rồi bỏ trốn trong khi người lao động vẫn không được sang Hàn Quốc làm việc.
28/12/2007