Vụ nâng điểm tốt nghiệp tại Bạc Liêu: Bị cáo xin giảm án, Viện kháng nghị tăng án
Nguồn tin riêng của PV Báo CAND vào sáng 19/12 cho biết, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu vừa ký Quyết định kháng nghị đối với Bản án hình sự sơ thẩm ngày 30/11/2007 của TAND tỉnh Bạc Liêu, xét xử vụ nâng điểm cho 1.740 thí sinh đậu tốt nghiệp hệ THPT và hệ bổ túc THPT tại Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu năm học 2005 - 2006.
Theo đó, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bạc Liêu đề nghị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt tù đối với 3 bị cáo: Nguyễn Quốc Nghiêm - nguyên giáo viên Trường THPT Lê Văn Đẩu, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Lê Sơn Đông - nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT và Phạm Minh Cảnh - nguyên Trưởng Phòng GD huyện Vĩnh Lợi;
Chuyển từ án treo sang tù giam, tăng hình phạt đối với các bị cáo: Nguyễn Hữu Tâm - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề Bạc Liêu, Nguyễn Trọng Trường - nguyên nhân viên thư viện Trường THPT Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, Nguyễn Thế Thuyên - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Thành, Trần Văn Lợi và Nguyễn Đồng Hết - nguyên giáo viên Trường THPT huyện Phước Long.
Số bị cáo kể trên đều được HĐXX dành cho hình phạt thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của Viện KSND trong phần luận tội (Báo CAND đã thông tin trong số báo ra ngày 1/12/2007).
Cụ thể, Nghiêm, Đông và Cảnh bị đề nghị 6 -7 năm tù nhưng HĐXX tuyên: Nghiêm 4 năm tù, Đông và Cảnh mỗi người chỉ 3 năm 6 tháng tù. Còn Tâm bị đề nghị 4 - 5 năm tù nhưng tòa tuyên 2 năm cho hưởng án treo.
Các bị cáo: Lợi, Trọng Trường, Thuyên và Hết bị đề nghị 2 - 3 năm tù nhưng tòa tuyên 9 - 12 tháng cho hưởng án treo.
Trong số những bị cáo kể trên, có những nhân vật mà sau khi tòa sơ thẩm tuyên án đến nay, dư luận địa phương đã không đồng tình. Chẳng hạn như Nguyễn Quốc Nghiêm - đối tượng được xem là đầu mối quan trọng của vụ án.
Vào lúc 8h45' ngày 15/6/2006, cơ quan CSĐT Công an Bạc Liêu đã bắt khẩn cấp giáo viên này đang nhận tiền của PHHS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 để lo cho các thí sinh được đậu tốt nghiệp.
Nghiêm khai đã nhận của 11 học sinh với số tiền là 88 triệu đồng. Và đã đưa cho ông Phạm Minh Cảnh - Trưởng Phòng GD&ĐT Vĩnh Lợi 65 triệu đồng và danh sách 11 học sinh nhờ Cảnh giúp…
Từ sự việc này, vụ án đã được mở rộng điều tra và nhiều điều khó ngờ đã được phanh phui. Đối với trường hợp Nguyễn Hữu Tâm. Ông này là "phu quân" của bà Bùi Hồng Phương - Phó Chủ tịch (phụ trách văn xã) UBND tỉnh Bạc Liêu; Trưởng ban chỉ đạo Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh cho biết, trước kỳ thi tốt nghiệp, có khá nhiều người đến nhờ Tâm giúp cho các thí sinh đủ điểm đậu. Tâm đã lợi dụng vào mối quan hệ quen biết với Nguyễn Hoàng Huy, chủ động cấu kết với Huy để giúp lo cho số thí sinh được đậu tốt nghiệp. Tổng số tiền mà Tâm đã môi giới hối lộ là 53.000.000đ cho 12 thí sinh được đậu tốt nghiệp, để hưởng lợi 18 triệu đồng tiêu xài cá nhân.
Trước khi Viện KSND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định kháng nghị, thông tin mà chúng tôi nhận được từ phía tòa án là đã có 12 bị cáo (trên tổng số 26 bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm) chính thức gửi đơn kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm hình phạt, thay đổi tội danh.
Nguồn tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu chiều 18/12 cho biết, đã ấn định ngày tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT dành cho các thí sinh đã thi đậu tốt nghiệp năm học 2005-2006 nhờ được nâng điểm. Thời gian dự kiến diễn ra kỳ thi này là các ngày: 21, 22 và 23/12.
Một cán bộ Sở cho biết, sở dĩ có kỳ thi "đặc biệt" này là do thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm tạo điều kiện cho 366 thí sinh bị hủy điểm thi do có tiêu cực "chạy" điểm (theo lời của bị cáo Nguyễn Văn Tấn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu trình bày trước HĐXX phiên sơ thẩm, số thí sinh còn lại gần 1.380 thí sinh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đậu tốt nghiệp). Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 30 hồ sơ đăng ký dự thi
Ý kiến bạn đọc